Điện mặt trời 450MW: Trungnam Group khẳng định tuân thủ các quy định và hợp đồng đã ký

Trungnam Group cho rằng phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá tại dự án điện mặt trời 450MW đã được huy động từ tháng 10/2020 đến 9/2022 và Bộ Công thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác.

Sáng 25/10, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đã có phản hồi sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thông cáo báo chí liên quan đến việc dừng huy động phần công suất 172.12MW chưa có giá của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ninh Thuận) với tổng công suất 450MW.

Theo Trungnam Group, phần công suất 172,12MW này đã được huy động từ tháng 10/2020 đến tháng tháng 9/2022 và Bộ Công thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác. Cơ sở pháp lý và cơ sở pháp luật của dự án này đảm bảo việc huy động công suất từ ngày 1/10/2020 đến 31/8/2022 là đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 trong đó có nội dung ưu tiên xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và chủ trương đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2020 về triển khai đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam với các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.

Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 có nêu rõ khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng.

Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng. Dự án Điện mặt trời 450MW được UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình pháp luật về đầu tư.

Điện mặt trời 450MW: Trungnam Group khẳng định tuân thủ các quy định và hợp đồng đã ký
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 79/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành ngày 3/4/2020 nêu rõ điều kiện khi thực hiện dự án chịu trách nhiệm bồi thường chi phí cho EVN trong trường hợp không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải đúng cam kết, chi phí phải trả căn cứ theo quy định mua bán điện với chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (1 triệu USD/ngày).

Điều này được lặp lại tại Khoản 10, Điều 10 trong hợp đồng mua bán điện PPA (Hợp đồng số 05/2020/HĐ-NMDMT- THUANNAM.NT - ký tháng 5/2020): “Trong trường hợp bên bán điện không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải theo quy định tại Thỏa thuận đấu nối số 1702/EVNNPT -TTĐN ngày 11/5/2020 và việc chậm tiến độ này gây thiệt hại cho bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên mua điện. Thiệt hại trên cơ sở chi phí bên mua điện phải gánh chịu theo quy định tại hợp đồng mua bán điện dự án BOT Vân Phong 1”.

Theo Trungnam Group, từ khi đi vào vận hành từ tháng 10/2020, phần công suất 172,12MW của dự án Điện mặt trời 450MW được xét theo Khoản 5, Điều 4 hợp đồng mua bán điện (Hợp đồng số 05/2020/HĐ-NMDMT- THUANNAM.NT, ký tháng 5/2020): “Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại Khoản 1, nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện, hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương”. Được thể hiện tại Điều 5 - Hợp đồng PPA giữa EVN và Nhà đầu tư.

Nhà đầu tư khẳng định không đề nghị EVN thanh toán đối với phần công suất này, các bên thống nhất rằng sản lượng được huy động sẽ được ghi nhận và chờ thanh toán sau khi xác định giá, nhà đầu tư đã cam kết sẽ tuân thủ tuyệt đối theo cơ chế giá mới, không khiếu nại khiếu kiện.

Mặt khác, tại cuộc họp ngày 24/9/2022 về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá của dự án Điện mặt trời 450MW, sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm kiến nghị của Trungnam Group về về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực...

Theo nhà đầu tư, Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực, dự án đóng góp lợi ích cho xã hội, tiết kiệm được ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng truyền tải.

Cùng với đó, toàn bộ quá trình triển khai dự án này tuân thủ các điều khoản, làm đúng các cam kết với EVN, với địa phương, dự án vận hành đảm bảo chất lượng kỹ thuật, nên Trungnam Group khẳng định việc EVN huy động toàn bộ dự án Điện mặt trời 450MW trong đó có phần công suất 171,12MW là tuân thủ theo pháp luật liên quan và theo hợp đồng PPA đã ký kết giữa hai bên.

Lượt xem: 43
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan