Chờ những cải tiến thực chất để sản xuất kinh doanh hứng khởi hơn

Liệu đề xuất của EuroCham về việc đưa đủ các nước thành viên EU vào danh sách miễn thị thực du lịch của Việt Nam có trở thành hiện thực trong sự “mong mỏi ngày đêm” của ngành du lịch? Hay việc chấn chỉnh vướng mắc khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ở khâu thủ tục trong công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ có được thực thi tốt? 

Tất cả đều đang cần cải tiến thực chất hơn nhằm giúp hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước hứng khởi hơn sau khi nếm trải muôn vàn khó khăn trong thời gian qua.

G bỏ rào cản cho khách quốc tế

Như trong đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) gửi tới Thủ tướng Chính phủ hôm 17/7, đó là cần đưa đầy đủ các nước thành viên EU vào danh sách miễn thị thực du lịch của Việt Nam.

-7935-1689672896.png

Để gia tăng lượng khách quốc tế nhằm tăng doanh thu cho ngành du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang đòi hỏi cần cải thiện thêm chính sách về thị thực.

Như chia sẻ của ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, việc miễn thị thực mở rộng này sẽ mang lại một lượng lớn khách từ thị trường EU với hơn 500 triệu dân. Bằng việc gỡ bỏ rào cản cho khách quốc tế - những người có nhu cầu chi tiêu cao khi đến thăm Việt Nam, chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch Việt Nam sau những năm khó khăn vừa qua.

Theo ông Fluit, với số lượng du khách lớn, thời gian lưu trú kéo dài, cũng như sức mua đáng kể khiến nhóm khách du lịch Châu Âu thực sự là nhóm khách hàng tiềm năng. Khách du lịch châu Âu có xu hướng ở lại lâu hơn, thường từ hai tuần trở lên, và chính khoảng thời gian này cho phép họ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, và khám phá thêm về các triển vọng kinh doanh trong thời gian đó.

Còn như lưu ý của Ts. Ribeiro (Đại học RMIT), Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn.

Cần nhắc thêm, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.

Và để thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam, Ts. Ribeiro đưa ra khuyến nghị là cần giải quyết vấn đề visa du lịch. Tăng số lượng các quốc gia cấp thị thực khi đến, tăng thời hạn thị thực du lịch từ 15 lên 30 hoặc thậm chí 60 ngày sẽ giúp gia tăng lượng khách quốc tế, nhờ đó mà tăng doanh thu từ du lịch.

Trong khi đó, xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đang cho thấy tầm quan trọng rất lớn ở lĩnh vực du lịch. Như nhận định từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, ngành du lịch với sự kỳ vọng hồi phục lượng khách quốc tế sẽ là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng bán lẻ vào nửa cuối năm 2023. 

Theo Mirae Asset, việc nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày kể từ 25/8/2023 có thể góp phần tăng số lượng khách quốc tế trong các tháng cuối năm.

Giới phân tích cho rằng việc “nới” visa du lịch là chính sách mà các doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành vẫn “ngày đêm mong mỏi”. Nếu như chính sách thị thực được cải tiến, đồng nghĩa với việc có thể thỏa sức thu hút khách ở thị trường xa và chi tiêu cao.

Tránh tạo các thủ tục gây khó chồng khó

Còn thực tế hiện nay, dù trong 6 tháng đầu năm, số lượt khách quốc tế vào Việt Nam đạt gần 5,6 triệu lượt khách, góp phần giúp cho ngành du lịch sôi động trở lại, nhưng theo đánh giá của Sở Du lịch Tp.HCM, vẫn còn không ít DN lữ hành, khách sạn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa phục hồi được như năm 2019.

Ngoài vấn đề về thị thực, cũng cần lưu tâm đến công điện của Thủ tướng Chính phủ hôm 13/7 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN. 

Trong công điện có nhắc nhở việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao trong thời gian gần đây. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với DN xuất nhập khẩu.

Liệu thời gian tới việc chấn chỉnh này có được thực thi tốt ở các bộ, ngành, địa phương vẫn là dấu hỏi lớn. Bởi vì đây là vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần và các DN sản xuất vẫn chờ cải thiện thực chất hơn nữa.

Như vào trung tuần tháng 7/2023, Hiệp hội DN Tp.HCM đã kiến nghị Trung ương có các chính sách cụ thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của DN. Việc ban hành các chính sách, văn bản tránh tạo thêm các thủ tục, hoặc có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động của DN vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Ngay như ở một thành phố năng động, là “đầu tàu” kinh tế của cả nước như Tp.HCM được cho là vẫn còn tồn tại những rào cản ở khâu thủ tục đang làm khó cho DN.

Nhóm chuyên gia của Đại học RMIT là Ts. Richard Ramsawak và Ts. Bùi Duy Tùng, cho rằng để “hồi sinh” Tp.HCM sau những khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm nay thì một trong những vấn đề cần giải quyết cấp bách là mức độ dễ dàng trong việc cấp phép và phê duyệt. 

Còn thực tại, “thủ tục phức tạp và cấp phép trễ nải dễ làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đơn giản hóa các quy trình này, giảm bớt quan liêu và triển khai hệ thống trực tuyến hiệu quả có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của Tp.HCM.

Theo nhóm chuyên gia này, việc quản lý và thực hiện chính sách của Chính phủ đặt ra những rào cản khiến vận hành DN tại Tp.HCM diễn ra kém suôn sẻ. Hợp lý hóa các quy trình này và giảm bớt tính thiếu hiệu quả của bộ máy quan liêu sẽ góp phần không nhỏ vào triển vọng phát triển của thành phố. Hơn nữa, cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giữa các bên trong bộ máy hành chính để xây dựng lòng tin và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nhìn chung, dẫu đang những rào cản đặt ra nhiều thách thức, nhưng vẫn còn đó các cơ hội để cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được hứng khởi hơn trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải phản ứng nhanh, thực chất hơn nữa trước yêu cầu thực tiễn của xã hội và của DN.

                                                                                 Thế Vinh

Lượt xem: 3
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật