Chậm gỡ rối sẽ khiến ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp chế biến càng thêm rối

Từ vướng mắc cố hữu về vốn vay (trong đó có việc khó tiếp cận vốn tín chấp), cho đến những khó khăn, rối rắm khác liên quan đến sản xuất kinh doanh, điều mà các doanh nghiệp chế biến loay hoay trong lúc này là tự xoay sở.  Và một khi thiếu đi giải pháp hỗ trợ cần thiết, không sớm gỡ rối thì “sức khỏe” của họ sẽ càng thêm rối.  

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang, bày tỏ băn khoăn khi qua tìm hiểu tình hình nhiều doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong thời gian gần đây, thấy rằng một trong những vấn đề lớn của họ là việc khó khăn trong tiếp cận vốn.

Từ vướng mắc cố hữu về vốn vay

Như một dữ liệu báo cáo gần đây được ông Tuấn chia sẻ, có đến 70% DN than phiền về vấn đề khó khăn khi vay vốn tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là lãi suất cao, thiếu tài sản thế chấp và tiến độ giải ngân chậm.

-7314-1718616492.png

Nhiều DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến vẫn đang đối mặt những vấn đề rối rắm từ vốn vay cho đến sản xuất kinh doanh.

“Nhiều DN vừa và nhỏ đã hết tài sản đảm bảo để vay vốn, trong khi điều kiện vay tín chấp lại rất khó. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều DN đến nay vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn mà không hiểu lý do vì sao. Đương nhiên chúng tôi biết bản thân ngân hàng cũng là DN nên cần có quản trị rủi ro, nhưng làm sao có những giải pháp hợp lý để nâng cao khả năng tiếp vốn cho DN nhằm kích thích phát triển kinh tế”, ông Tuấn nói. 

Liên hệ thực tế với một thành phố lớn là “đầu tàu” kinh tế lớn của cả nước như Tp.HCM, vị giám đốc này nhấn mạnh nếu không có giải pháp tốt và đưa ra những hành động cụ thể nhằm gỡ rối về vấn đề vốn vay sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh các DN tiếp tục ì ạch, chậm lại tốc độ phát triển. Và một khi tốc độ phát triển của các DN ở Tp.HCM chậm đi sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế nói chung của cả nước.

“Ngoài những khó khăn do nguyên nhân khách quan của bên ngoài như gặp khó về thị trường, đầu ra của sản phẩm, vấn đề nội tại hiện nay đối với các DN ở riêng Tp.HCM là đến các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn không hề dễ dàng. Nói là một chuyện, còn đi vào thực tế rất là khó”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Còn theo đại diện của Công ty Phillip Lam (ở huyện Hóc Môn, Tp.HCM), bản thân DN tiếp cận nguồn vốn vay tại ngân hàng trong gian vừa qua rất khó, nhưng phía ngân hàng lại có nhiều đội tài chính làm dịch vụ để thu phí thêm từ khách hàng.

Điều đó đã làm cản trở việc tiếp cận nguồn vốn của DN trong kinh doanh, thậm chí có nhiều đội dịch vụ còn lừa khách hàng trong việc tiếp cận và làm hồ sơ vay vốn. 

Bên cạnh đó, công ty này có đề xuất cần thiết lập chính sách minh bạch hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng, ngân hàng nên huỷ bỏ việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với các khoản vay. Bởi vì bảo hiểm bắt buộc khi DN vay không tăng thêm tính đảm bảo của hợp đồng vay, mà nó là khoản chi không cần thiết khi DN vay tại ngân hàng.

Từ phản ánh của DN nêu trên, giới chuyên gia cho rằng phía ngân hàng cần tháo gỡ vướng mắc này. Nếu do cán bộ ngân hàng gây khó khăn, nhũng nhiễu cho DN thì nên xử lý cán bộ theo quy định. Và nếu từ phía DN do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, quản lý tài chính chưa tốt, tình hình tài chính chưa minh bạch…thì họ cần tự hoàn thiện để tiếp cận vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn.

Xét đi cũng phải xét lại, các ngân hàng thương mại cho vay cũng phải đảm bảo đúng quy định về điều kiện tín dụng cũng như các quy định khác để đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Và có thể nói “nút thắt” khiến cho các DN chế biến khó tiếp cận vốn vay đang nằm ở vấn đề này. Bởi vì đây là quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn, khi DN hết tài sản đảm bảo thế chấp nhưng muốn vay tín chấp lại không được đáp ứng. Đó là vì không có quy định ngân hàng thương mại không được cho vay tín chấp DN, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng cho vay tín chấp. Bởi vì, việc cho vay tín chấp tiềm ẩn rủi ro nếu khoản vay mà khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng thương mại bị mất vốn (có thể nói gần như mất trắng 100%).

Đến loay hoay tự xoay sở

Vì vậy, một loạt dấu hỏi được đặt ra khi cho vay tín chấp. Đâu là yếu tố “niềm tin” của ngân hàng đối với DN? Điểm chấm điểm đánh giá DN của ngân hàng như thế nào? Dòng tiền thu – chi của DN có 100% qua sự quản lý của ngân hàng hay không?

Và không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, có những vấn đề rối rắm khác mà các DN chế biến cũng mong mỏi được tháo gỡ. Như vấn đề về nước thải của nhà máy. Theo phản ánh của ông Ngô Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Việt Trường, đặc thù ngành hàng surimi (thịt cá xay) là sản xuất cần nhiều nước, trung bình trên 20m3/tấn sản phẩm. Điều đó dẫn đến chi phí xử lý rất cao (khoảng 25k/m3). Nhất là với một nhà máy có quy mô trung bình khoảng 400 tấn thành phẩm/tháng thì chi phí xử lý nước thải vào khoảng 200 triệu đồng/tháng.

Ông Phương cho biết các DN trong ngành hàng surimi loay hoay tự xoay sở để tìm giải pháp từ các công ty tư vấn môi trường trong nước hoặc nước ngoài nhưng chưa tìm ra phương án tối ưu. Cho nên điều mong muốn là có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này. Giải pháp có thể đến từ các tổ chức liên quan như tổ chức phi chính phủ, hoặc các tổ chức có dự án phát triển sản xuất xanh có công nghệ, tài chính…

Hoặc như vấn đề về luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với DN chế biến thủy sản. Theo ông Nguyễn Nam Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Nam, việc áp dụng thuế GTGT còn nhiều bất cập và quy định thiếu chặt chẽ từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu thủy sản. Đơn cử như xác định biểu thuế, HS Code…chưa chính xác. Hay các quy định dễ hiểu nhầm, khó xác minh, xác định xuất xứ hàng hóa, thuế suất thuế GTGT chưa đồng bộ, công tác hoàn thuế còn chậm. 

Không những vậy, như lưu ý của ông Vinh, các văn bản chồng chéo, không rõ ràng, thậm chí không đồng bộ giữa các địa phương, ban ngành. Điều này dẫn đến DN vô tình hay bắt buộc phải làm sai lỗi, rủi ro cao. Tất cả những rối rắm như thế đã ảnh hưởng không tốt đến sản xuất kinh doanh của DN.

Xét cho cùng, từ vướng mắc cố hữu về vốn vay, khó tiếp cận vốn tín chấp, cùng những rối rắm khác có liên quan đến sản xuất kinh doanh, ngoài chuyện tự xoay sở, điều mà các DN chế biến mong mỏi trong lúc này là có những hỗ trợ bằng các giải pháp cụ thể để giúp họ gỡ rối. 

Bởi, như mối lo của ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu không được gỡ rối, số DN rút lui khỏi thị trường sẽ ngày càng tăng. Ngay như dữ liệu gần đây của Tổng cục Thống kê cũng đã cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2024 đã có đến 97,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường). Cho nên, nếu không sớm gỡ rối, “sức khỏe” của các DN chế biến sẽ càng... thêm rối.

                                                                                 Thế Vinh

Lượt xem: 3
Tin liên quan