Cao su Đà Nẵng: Nợ liên tục tăng, tồn kho ngày thêm lớn
Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 24/4 tại TP. Đà Nẵng. Tài liệu gửi dến cổ đông đã hé mở những thông tin ban đầu về hoạt động của DN với nhiều điểm đáng lo ngại khi nợ ngắn hạn tăng, còn tồn kho vẫn khá lớn.
Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, tính đến hết quý IV/2023, cơ cấu vốn của Cao su Đà Nẵng chủ yếu do vốn chủ sở hữu vẫn đang chiếm chủ đạo với 1.852 tỷ đồng, giảm 57 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Bên cạnh đó, nợ của doanh nghiệp này cũng tăng từ 1.508 lên 1.553 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là chính với 1.528 tỷ đồng.
Tình trạng nợ ngắn hạn của cao su Đà Nẵng tăng nhanh bắt đầu vào năm 2021, từ 742 tỷ đồng nhảy lên 1.359 tỷ đồng. Sang năm 2022, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này tiếp tục tăng lên đạt mức 1.506 tỷ đồng. Tổng nợ của năm 2021 là 1.362 tỷ đồng và năm 2022 là 1.508 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của cao su Đà Nẵng cũng cho thấy hàng tồn kho cũng chiếm phần khá cao trong cơ cấu tài sản ngắn hạn.
Lưu ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng lên cùng thời điểm 2021. Cụ thể, hàng tồn kho của các năm từ 2020 đến 2022 tăng lên như sau: 787 tỷ đồng; 1.429 tỷ đồng; 1.707 tỷ đồng. Riêng năm 2023, hàng tồn kho có giảm như vẫn nêu ở mức khá cao với 1.184 tỷ đồng.
Nhìn từ kết quả kinh doanh, Cao su Đà Nẵng lại cho thấy những chuyển biến khá ổn định. Tuy nhiên, khi so với kế hoạch đặt ra, Cao su Đà Nẵng lại chưa đạt như kỳ vọng.
Cụ thể, năm 2020 doanh nghiệp này lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 4.062 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 3.646 tỷ đồng. Sang năm 2021, doanh nghiệp này cho thấy kế hoạch doanh thu thuần là 3.852 tỷ đồng và khi thực hiện đã vượt kế hoạch với 4.379 tỷ đồng. Điều này cho thầy kế hoạch doanh thu thuần phải hạ xuống 210 tỷ đồng so với năm 2020 thì mới đạt được kế hoạch năm 2021.
Năm 2022, Cao su Đà Nẵng đã lên kế hoạch doanh thu thuần đặt ra nằm ở mức 4.428 tỷ đồng và khi thực hiện đã vượt kế hoạch với 4.899 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2023 lại không được như kỳ vọng, doanh nghiệp này chỉ đạt doanh thu thuần là 4.495 tỷ đồng, trong khi đó kế hoạch là 5.060 tỷ đồng.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Cao su Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Ông Nguyễn Xuân Bắc (sinh ngày 21/8/1972 tại Bắc Giang) hiện là Chủ tịch HĐQT của Cao su Đà Nẵng (bổ nhiệm tháng 6/2020).
Ngoài ông Bắc, thành viên HĐQT của doanh nghiệp này gồm có: Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt (Tổng Giám đốc); bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ; ông Hà Phước Lộc; ông Nguyễn Huy Hiếu; ông Nguyễn Văn Hiệu; ông Trần Đình Quyền.
Trong HĐQT, thành viên HĐQT có liên quan đến Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khá nhiều, cụ thể: Ông Nguyễn Xuân Bắc (số cổ phiếu đại diện sở hữu là 12.473.244 cổ phiếu, chiếm 10,51% vốn điều lệ) và Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (Số cổ phiếu cá nhân sở hữu là 10.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,01%; Số cổ phiếu đại diện sở hữu là 11.879.260 cổ phiếu, chiếm 10,00% vốn điều lệ);
Ông Nguyễn Huy Hiếu (số cổ phiếu đại diện sở hữu là 11.879.260 cổ phiếu chiếm 10,00% vốn điều lệ); ông Hà Phước Lộc (Số cổ phiếu cá nhân sở hữu là 84.978 cổ phiếu chiếm 0,07% vốn điều lệ và số cổ phiếu đại diện sở hữu là Đại diện vốn chiếm 10,00% vốn điều lệ); ông Nguyễn Văn Hiệu (Số cổ phiếu cá nhân sở hữu là 9.591 cổ phiếu, chiếm 0,008% vốn điều lệ).
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng là cổ đông lớn nhất của Cao su Đà Nẵng với gần 600 tỷ đồng vốn góp. Số tiền mà Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đầu tư vào Cao su Đà Nẵng tương đương với 59.999.358 cổ phiếu (chiếm 50,51%).