Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Việc xuất hiện những chuyển biến tích cực từ một số nhóm ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo điều kiện cho các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội nói chung và các cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHTW phát huy hiệu quả.

Ở góc độ ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng trong thời điểm hiện nay, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, với các hoạt động cụ thể sau:

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, song không chỉ là ký kết vay vốn, cho vay mới, mà tất cả hoạt động bao gồm: Giảm lãi suất cho doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp cần được tăng cường thực hiện và thực hiện bằng hành động cụ thể. Nếu được thực hiện tốt, việc này sẽ góp phần và tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi tăng trưởng, cũng như ứng phó và thích nghi với điều kiện khách quan của thị trường. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt, là sự cụ thể hóa chính sách, yêu cầu về thực thi chính sách. Vì vậy, càng làm tốt chương trình, càng đồng nghĩa với thực hiện tốt chính sách. Nhìn nhận như vậy để các TCTD tiếp tục tham gia tích cực chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm, với tinh thần: hành động và hành động quyết tâm để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kịp thời và trách nhiệm cho các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng. Trong đó, đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ từ chính sách (gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ; các chương trình tín dụng ưu đãi; chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 05 nhóm ngành lĩnh vực gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xuất khẩu và lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn), cần tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng thuộc những đối tượng này đúng, đủ điều kiện để hướng dẫn, từ đó thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách thuận lợi và đúng quy định. Làm tốt hoạt động này sẽ không chỉ hỗ trợ cho các nhóm, ngành là động lực tăng trưởng kinh tế phát triển mà còn mang lại ý nghĩa to lớn và toàn diện trong trung và dài hạn, vừa góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới và phát triển bền vững, vừa đồng thời là giải pháp hữu hiệu để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Song song đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã là khách hàng của ngân hàng bằng tất cả nguồn lực: từ nguồn lực chính sách (như đã và đang làm) đến các giải pháp về chi phí, về cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ và tư vấn, thông tin và truyền thông, nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng, doanh nghiệp. Trong đó, chủ động giảm chi phí (lãi suất cho vay; phí dịch vụ, thời gian giao dịch...) cho doanh nghiệp với tinh thần đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm xã hội và được cụ thể hóa bằng hành động và lợi ích mang lại trực tiếp cho doanh nghiệp.

Giải pháp này khả thi, bởi tính chủ động từ các TCTD mặc dù phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi TCTD và có giới hạn song sự tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải cách hành chính, là giải pháp linh hoạt và không giới hạn và tùy thuộc vào chiến lược phát triển và hành động quyết tâm của mỗi TCTD.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp và một số nhóm ngành, lĩnh vực tận dụng tốt cơ hội để phát triển, mở rộng thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng, lan tỏa và kích thích tăng trưởng kinh tế. Với ý nghĩa đó, mỗi TCTD cần đặc biệt quan tâm và hành động trách nhiệm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cùng ngành và cùng nền kinh tế tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó thách thức, tạo đà phục hồi tốt cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm và trong năm 2024.

Lượt xem: 11
Tác giả: Hàn Đông
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật