Cần gì để có nhiều hơn nữa doanh nghiệp sản xuất container?

Việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam, nhưng có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia sản xuất. Nhà máy sản xuất vỏ container mới duy nhất đến nay tại Việt Nam vẫn đang gấp rút được hoàn thiện và phải đợi đến quý IV/2022 mới đưa được sản phẩm ra thị trường.

Trên thực tế, tình trạng thiếu container rỗng đang khiến giá cước vận tải thế giới tăng “phi mã” từ giữa năm 2020. Trung Quốc là quốc gia sản xuất container lớn nhất thế giới với khoảng 90%, nhưng 2 năm trở lại đây đã giảm 40% sản lượng container, công suất sản xuất thép cho đóng mới container cũng giảm.

Nhu cầu lớn, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 khiến “cơn khát” container ngày càng trở nên trầm trọng. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, vì thế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là khi Trung Quốc đã "hút" một lượng lớn container về phục vụ cho hoạt động thương mại của nước này.

San-xuat-container-3990-1646583786.jpg

Chờ doanh nghiệp Việt góp phần giải “cơn khát” container (Ảnh: TL)

Chỉ tính riêng ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) ước tính vẫn thiếu khoảng 15-20% container rỗng cho xuất khẩu. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây thiệt hại không nhỏ. Với nhu cầu ngày càng tăng cao, việc tăng giá cước tàu biểu và thiếu container rỗng sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu của ngành gỗ, giảm sức cạnh tranh với các thị trường khác, trong khi Việt Nam chưa có hãng tàu đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Chi phí logistics tăng cao, đặc biệt là việc thiếu container khiến không ít các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đau đầu tìm lời giải. Không có container tức hàng không thể xuất đi, mà nếu có thì chi phí thuê cũng tăng gấp 3 - 4 lần. Doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn: Một là vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí đắt đỏ; hai là đền hợp đồng và rủi ro mất khách hàng...

Về nhu cầu trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam trong nước hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng lên tới 20%/năm, nhu cầu mở rộng kinh doanh, tăng cường cơ sở vật chất chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh. Không ít doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chia sẻ về nhu cầu mở rộng, phát triển mảng vận tải nội địa, bởi việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tăng mạnh, nên nhu cầu thuê vận tải nội địa sẽ tăng cao. Vì thế, thị trường container sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.

Nhu cầu đang rất lớn, vậy vì sao Việt Nam chưa chủ động sản xuất container? Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia sản xuất container là bởi, container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều. Sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều có quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên chỉ dừng ở việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơmooc, sơmi rơmooc để tồn tại.

“Các doanh nghiệp muốn sản xuất container thì quy mô, năng lực hiện còn quá nhỏ, còn doanh nghiệp có khả năng thì chưa thấy đủ động lực để tham gia”, ông Hải chia sẻ.

Kỳ vọng có thêm động lực

Quay trở lại câu chuyện của Nhà máy sản xuất vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát, đại diện CTCP sản xuất container Hòa Phát cho biết, Công ty dự kiến khởi công nhà máy trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, dự án phải lùi thời gian khởi công tới tháng 11/2021, chậm 5 tháng so với kế hoạch. Sau 3 tháng triển khai, 5 nhà xưởng với tổng diện tích xây dựng gần 7ha đã bắt đầu được dựng cột vào ngày 22/2 vừa qua, những chiếc kèo đầu tiên của nhà xưởng số 5 đã được cất lên.

Dự án nhà máy vỏ container đặt tại B5, đường Đ, Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 mở rộng, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; quy mô công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20 - 40 feet. Modul giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm. Hòa Phát đã ký kết hợp đồng máy móc thiết bị với các nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới. Dự kiến giữa tháng 3, lô thiết bị sản xuất đầu tiên sẽ về đến nhà máy.

Hiện, CTCP sản xuất container Hòa Phát đang đàm phán với một số đối tác có năng lực và đã hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát nhiều năm nhằm có nguồn cung ván sàn container, sơn và phụ kiện uy tín, ổn định với khối lượng lớn, giá thành cạnh tranh nhất.

Nhà máy sản xuất container Hòa Phát sẽ chạy thử trong quý III/2022 và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường từ quý IV năm nay. Dự kiến cuối năm 2023, nhà máy sẽ đạt công suất 200.000 TEU/năm.

"Hòa Phát đặt mục tiêu hoàn thành nhà máy nhanh nhất nhằm tận dụng cơ hội thị trường do nguồn container rỗng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam thiếu hụt trầm trọng đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa và thương mại toàn cầu", đại diện Công ty chia sẻ.

Theo các chuyên gia, Hòa Phát bước vào thị trường sản xuất container với lợi thế về nguồn nguyên liệu thép - yếu tố chiếm khoảng 55 - 60% giá thành sản xuất.

Đại diện Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát từng cho biết, giá thép đặc chủng làm container rất đắt, doanh nghiệp nếu đi nhập loại thép này về sản xuất container thì chắc chắn... thua! Trong khi đó, lợi thế của Hòa Phát là sản xuất được loại thép này, nên Tập đoàn có thể đảm bảo được sự thành công của dự án.

“Ở Việt Nam, duy nhất Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất làm chủ được công nghệ sản xuất loại thép này với giá thành hợp lý, phát huy được thế mạnh của nhà sản xuất thép từ thượng nguồn. Với công suất 500.000 TEU/năm, sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm, là đầu ra cho Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát”, đại diện CTCP sản xuất container Hòa Phát nói.

Có thể nói, không có nhiều doanh nghiệp Việt có được tiềm lực và lợi thế để bước vào “sân chơi” mới và khó - sản xuất container, như Hòa Phát. Trong khi đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn còn cần chờ thời gian trả lời, và bài toán cạnh tranh về giá với container do Trung Quốc sản xuất cũng không hề dễ giải. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, cần có thêm chính sách khuyến khích về vốn, thuế... cho phát triển ngành cơ khí, cũng như thúc đẩy quy mô của doanh nghiệp logistics trong nước để tạo nguồn cầu đủ dung lượng cần thiết cho sản phẩm container “Made in Vietnam”.

Tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã quan tâm đến việc đầu tư sản xuất container tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Và gần đây nhất, vào cuối năm 2021 vừa qua, Tập đoàn kỹ thuật Seojin Systems và công ty công nghệ container Ace Engineering (Hàn Quốc) cho biết, sẽ thành lập nhà máy sản xuất container tại Việt Nam vào giữa năm 2022, với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Kinh doanh Hàng hải Hàn Quốc (KOBC) - do Nhà nước hỗ trợ tài chính. Theo đó, Nhà máy này sẽ được xây dựng vào giữa năm 2022 tại Hải Phòng với công suất 4.000 container/tháng.

Trên thực tế, Hòa Phát không phải đơn vị đầu tiên công bố sản xuất container. Vào cuối năm 2007, Nhà máy sản xuất container Vinashin – TGC của liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và Toong Goen Enterprise - Đài Loan đã được khánh thành tại Hải Dương. Nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất giai đoạn 1 là 45.000 TEU (loại container 20 feet)/năm. Tuy nhiên, nhà máy sau đó cũng ngừng hoạt động do lãnh đạo vướng vòng lao lý.

Đức Nguyễn

Lượt xem: 268
Tác giả: Đức Nguyễn
Tin liên quan