Các doanh nghiệp ngành hàng 'mẹ và bé' đang cạnh tranh khốc liệt

Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng cho ngành hàng mẹ và bé phát triển. Tuy nhiên, đi liền với tiềm năng là cuộc "so găng" khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm của bà mẹ và trẻ em khi doanh số của thị trường tăng trưởng trung bình 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Còn nhiều khoảng trống

Không dừng ở đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Ngoài ra, với khoảng 68% số dân có độ tuổi từ 15-64 tuổi, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng nên số lượng gia đình trẻ gia tăng là tất yếu.

Từ đó có thể thấy rằng, thị trường ngành hàng mẹ và bé đang và sẽ còn nhiều tiềm năng và khoảng trống để thu hút các doanh nghiệp. Minh chứng cho điều này chính là tốc độ và tần suất ra đời của các cửa hàng trong lĩnh vực này như BiboMart, KidsPlaza, Con Cưng… Nếu xét về số lượng cửa hàng thì Con Cưng đang chiếm thị phần lớn nhất trong ngành hàng này với 600 siêu thị tại 46 tỉnh thành trên toàn quốc. Mặc dù dịch bệnh xảy ra nhưng đơn vị này cũng đạt mức doanh số 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng vào năm ngoái.

Sau 10 năm tăng trưởng mạnh về số cửa hàng và doanh thu, Con Cưng đang có những mục tiêu dài hạn để khẳng định mình trên thị trường. Trong đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD năm 2023 và chiếm 30% thị phần để đạt doanh số 2 tỷ USD năm 2025, trong đó ít nhất 30% đến từ thương mại điện tử.

Dù khá im ắng về doanh thu nhưng các thương hiệu như Bibo Mart, Kids Plaza, Shoptretho… cũng cho thấy quy mô không hề nhỏ với số cửa hàng lần lượt là 155, 143, 39. Với hệ thống cửa hàng phủ sóng rộng và được hoạt động trong một thị trường nhiều dư địa đã mang về doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp này.

concung-1328-1645003447.jpg

Con Cưng đang dẫn đầu về số lượng cửa hàng bán sản phẩm cho mẹ và bé.

Gần đây nhất là công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ra mắt cùng lúc 5 chuỗi bán lẻ, trong đó có chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé. MWG dự kiến sẽ phát triển mô hình tương tự như chuỗi cửa hàng Con Cưng nhằm lấp đầy khoảng trống từ mảnh đất màu mỡ này.

Bên cạnh những thương hiệu lớn thì các trung tâm thương mại, siêu thị như Coopmart, Big C… và cả các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ không bỏ qua lĩnh vực này với đa dạng các hình thức kinh doanh chuyên nghiệp không kém gì những công ty lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành hàng mẹ và bé được đánh giá phát triển vì đời sống người dân ngày càng tăng, tỷ lệ sinh con giảm nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia đình được coi trọng.

Đặc thù của ngành hàng này là người tiêu dùng không quá coi trọng về giá, thay vào đó, mối quan tâm chủ yếu là về chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm cho mẹ và bé thực chất chưa phát triển mạnh ở các vùng nông thôn nên khi đầu tư đều được khách hàng đón nhận. Đây cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không ngừng mở rộng thị phần.

Cạnh tranh khốc liệt

Tuy nhiên, làm sao để tạo dựng được thương hiệu, đứng vững và kinh doanh hiệu quả thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Đã có rất nhiều thương hiệu dù đầu tư lớn nhưng cũng phải dừng hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn như: Beyeu, Babysol, Kids World, Deca …

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp khác dù đang hoạt động nhưng cũng phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ và gặp không ít khó khăn.

Dù gặp không ít lùm xùm về nguồn gốc sản phẩm nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Con Cưng đang là đơn vị thống lĩnh thị trường trong nước với số lượng cửa hàng dẫn đầu và danh mục hàng hóa lên đến 2.000 sản phẩm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng liên tục trong 4 năm gần đây với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 70%.

Gần đây, Con Cưng còn gọi vốn thành công 90 triệu USD từ Quadria Capital-quỹ đầu tư chuyên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo đó, quỹ này sẽ nắm 30% cổ phần của Con Cưng và sẽ nâng tổng số cửa hàng của doanh nghiệp này lên 2.000 vào năm 2025. Các cửa hàng sẽ hoạt động thông qua các ứng dụng, công nghệ hiện đại …

Không giống như Con Cưng, các bước kinh doanh của Kidsplaza, Bibomart, Shoptretho lại là những ẩn số trong thời gian gần đây.

Dù đứng thứ hai nhưng Bibo Mart cũng đã đóng bớt 2 cửa hàng trong năm 2020. Theo chia sẻ của bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart, đơn vị này tạm thời dừng kế hoạch phát triển cửa hàng vật lý để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào năm 2020 và trở thành nhà cung cấp đa dạng các dịch vụ cho không chỉ em bé, mà cả gia đình với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu từ Amazon, Taobao, và Walmart.

Bibo-Mart-4053-1645003448.jpg

Bibomart tuy đang có những kế hoạch cải tổ nhưng tình hình kinh doanh trong hai năm qua không được doanh nghiệp tiết lộ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các kế hoạch mà Bibomart đặt ra đều chưa được hoàn thiện. Thay vào đó, doanh nghiệp có đẩy mạnh liên kết với các nhà sản xuất để thực hiện chuỗi từ nhà máy đến tiêu dùng, đi cùng với đó là tập trung vào mảng bán lẻ đa kênh. Được biết, doanh thu bán lẻ online của Bibomart chiếm 14-15% tổng doanh số, dự kiến tăng lên hơn 30% trong 5 năm tới.

Còn đối với chuỗi cửa hàng của Kidsplaza, thống kê từ iPrice chỉ ra rằng, trung bình mỗi tháng của năm 2019, website bán hàng của hệ thống cửa hàng này đạt lượng truy cập lên tới 1.070.800 lượt, gần gấp đôi Con Cưng (543.100 lượt) và Shoptretho (524.600 lượt).

Tuy nhiên, đến năm 2020, Kids Plaza đã thừa nhận là bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mục tiêu có 200 cửa hàng trong năm 2020 đã không hoàn thành. Bước sang năm 2021, đơn vị này đã thích nghi bằng việc đẩy mạnh bán các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm đông lạnh. Kids Plaza cũng đẩy mạnh marketing để liên tục thu hút khách hàng như mẹ bầu học yoga trực tuyến, mở các lớp tiền sản trực tuyến…

Trước các động thái này, các chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp đầu ngành đang thể hiện rõ mục đích muốn dẫn đầu thị trường, chính vì vậy, áp lực cạnh tranh là không hề nhỏ.

Đặc biệt hiện nay, các doanh nghiệp đều phát triển rất tốt trên các kênh bán hàng online, nhưng họ không chỉ dừng lại ở việc phải cạnh tranh giữa doanh nghiệp cùng ngành mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Lazada. Các sàn này không chỉ mạnh về công nghệ, quen với bán lẻ hiện đại mà còn mạnh về chăm sóc khách hàng, tập hợp dữ liệu khách hàng.

Ngoài ra, đây là thị trường quá hấp dẫn nên cũng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Tiêu biểu có thể kể đến như chuỗi cửa hàng Soc&Brothers (Nhật Bản) hay Mothercare (Anh) với sự đầu tư bài bản và từng bước mở rộng các cửa hàng. Đây cũng là đối thủ với các doanh nghiệp nội.

Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Nếu doanh nghiệp nào biết làm mới mình, đẩy mạnh xây dựng niềm tin của khách hàng, phát triển bán hàng đa kênh kèm theo giao hàng nhanh chóng sẽ ngày càng phát triển. Cạnh tranh cũng giúp các doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Như Yến

Lượt xem: 321
Tác giả: Còn nhiều khoảng trống
Tin liên quan