Bộ Quốc phòng yêu cầu giám sát hoạt động kinh doanh của CafeControl khi bán vốn cho nước ngoài

Bộ Quốc phòng yêu cầu UBND cùng nhiều Sở ban ngành các địa phương gồm TPHCM, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của CafeControl khi doanh nghiệp này chuyển nhượng 67% vốn cho nước ngoài.

UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 29/05 có văn bản cho ý kiến về mặt quốc phòng đối với việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong CTCP Giám định Cà phê và Hàng hóa Xuất nhập khẩu có trụ sở chính tại TPHCM.

UBND tỉnh cho biết thực hiện văn bản của Bộ Quốc Phòng về việc tham gia ý kiến đối với việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong CTCP Giám định Cà phê và Hàng hóa Xuất nhập khẩu, UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Bảo Lộc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, chủ động giám sát, quản lý hoạt động của CTCP Giám định Cà phê và Hàng hóa Xuất nhập khẩu như đề nghị của Bộ Quốc phòng. Đồng thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Chi nhánh tại Bảo Lộc, Lâm Đồng của CafeControl

Trước đó ngày 24/05, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm phúc đáp công văn của UBND TPHCM ngày 15/04 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần CafeControl. Bộ Quốc phòng cho biết, về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, vị trí 4 khu đất (khu 1 tại số Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM; khu 2 tại phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; khu 3 tại số 319A Nguyễn Viết Xuân, phường Phú Hội, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và khu 4 tại khu phố 5, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) do CafeControl quản lý, sử dụng để sản xuất, kinh doanh cơ bản không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng của các đơn vị.

Bộ Quốc phòng đề nghị UBND TPHCM thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với việc CafeControl chuyển nhượng 67% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là Công ty Eurofins Food Testing Lux Holding.

Việc chuyển nhượng cổ phần trên làm thay đổi bản chất doanh nghiệp từ doanh nghiệp trong nước thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị UBND TPHCM và UBND các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của CafeControl, thực hiện nghiêm Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bộ cũng giao Quân khu 5 phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai; Quân khu 7 phối hợp với UBND TPHCM, UBND tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước giải quyết những nội dung có thể liên quan đến quốc phòng.

Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, các đơn vị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Theo tìm hiểu, Eurofins Food Testing Lux Holding thành lập tại Luxembourg (Bỉ) vào năm 2007, người đại diện pháp luật là ông Lionel Marc Jean Mazuel (quốc tịch Pháp). Ông này còn là Giám đốc tài chính và M&A khu vực Úc, Newzeland và Đông Nam Á của Tập đoàn Eurofins. Mạng lưới Eurofins tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng, môi trường và dược phẩm.

CafeControl là ai?

CafeControl thành lập từ năm 1989, tiền thân là Trung tâm nghiên cứu và kiểm nghiệm cà phê, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT).

CafeControl là thành viên của các Hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội Điều (VINACAS), Hiệp hội Hồ tiêu (VPA), Hiệp hội khử trùng Việt Nam… Công ty cũng là một trong những thành viên phối hợp cùng Bộ Khoa học – Công nghệ, Tổng cục TCĐLCL và Bộ NN&PTNT xây dựng các tiêu chuẩn Quốc gia cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như: cà phê, hạt điều.

Trụ sở chính tại TPHCM cùng 5 chi nhánh, trạm, tổ hiện trường ở khắp các vùng nguyên liệu nông sản của cả nước với hệ thống phòng phân tích, thử nếm và phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra và phân tích các chỉ tiêu: cơ-lý, độc tố Aflatoxin, Ochratoxin và vi sinh vật trong nông sản, thực phẩm.

Cập nhật trong BCTC kiểm toán 2019 của CafeControl cho biết HĐQT Công ty có 3 thành viên gồm ông Phạm Thứ Triệu (Chủ tịch được bổ nhiệm vào tháng 04/2018), ông Nguyễn Nam Hải (kiêm chức Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật) và ông Hoàng Nguyên Bình. Tính tới cuối năm 2019, Công ty có vốn điều lệ 17 tỷ, trong đó ông Triệu nắm giữ 51%, ông Hải 10.9%, còn lại cổ đông khác 38.1%.

Ông Phạm Thứ Triệu – Chủ tịch HĐQT CafeControl

Hoạt động kinh doanh của CafeControl trong nhiều năm qua doanh thu tạo ra bình quân 50-60 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận qua các năm… Trong cơ cấu doanh thu, có hơn 75% đến từ dịch vụ giám định, khoảng 15% từ dịch vụ khử trùng và 5% là dịch vụ chứng nhận. Đáng chú ý, biên lãi gộp của doanh nghiệp duy trì ở mức rất cao, trung bình 95%/năm.

Một số chỉ tiêu tài chính của CafeControl

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật