Bất động sản năm 2024: Doanh nghiệp cần tăng nguồn cung, giảm giá bán
Theo giới chuyên gia, năm 2024, doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc sản phẩm và giảm giá thành mạnh hơn, tiệm cận với khả năng của người mua, để thúc đẩy thị trường bất động sản sớm phục hồi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Sau một năm tương đối “khắc nghiệt” với thị trường cũng như doanh nghiệp bất động sản, đến nay thị trường đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, quy hoạch mới và khơi thông nguồn vốn. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản chuyển mình, vực dậy thị trường trong năm 2024.
Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp bất động sản cần phải nắm bắt thời cơ và chung tay “vẽ” nên bức tranh thị trường tươi sáng hơn thông qua việc cùng nhau chia sẻ khó khăn, tái cấu trúc sản phẩm và giảm giá thành mạnh hơn nữa, tiệm cận với khả năng của người mua để thúc đẩy thị trường bất động sản sớm phục hồi, phát triển bền vững!
Nắm bắt thời cơ để chuyển mình
Chia sẻ về cơ hội để vực dậy thị trường bất động sản trong năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho hay thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Đặc biệt là sáng 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là bộ luật đã được tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp và hơn 12 triệu ý kiến của nhân dân cả nước; trong đó luật đã bổ sung rất nhiều điểm mới quan trọng về giá đất, thu hồi đất...
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt việc nhiều tỉnh, thành phố công bố quy hoạch mới (như thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Kon Tum...) cũng đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tích cực hơn vào thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản cần thể hiện quyết tâm hơn trong việc cơ cấu lại các phân khúc, chấp nhận giảm giá bán sản phẩm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, quy hoạch và nguồn vốn, nhưng năm 2024, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải chung tay chia sẻ, kích cầu thị trường.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần có ngay hành động cụ thể, thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, không giữ giá cao đồng thời tăng cường chiết khấu, chính sách khuyến mãi, hậu mãi, kích cầu tiêu dùng trên thị trường bất động sản để tạo dòng tiền và thanh khoản.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền, phù hợp với thu nhập của người dân, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường hồi phục nhanh, bền vững.
Có chung quan điểm, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp bất động sản cần thể hiện quyết tâm hơn trong việc cơ cấu lại các phân khúc, chấp nhận giảm giá bán và đa dạng hóa nguồn vốn để giảm bớt rủi ro; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
“Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá bình dân để tăng dần tính thanh khoản,” ông Lực khuyến nghị.
Kịch bản nào cho thị trường?
Theo dự báo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2024 sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản. Mặc dù khó có thể “bùng nổ” nhưng thị trường sẽ đi dần vào ổn định.
Năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tập trung tháo gỡ chính sách và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Dự báo giai đoạn 2024-2025, các nút thắt về phê duyệt dự án bất động sản sẽ được giải quyết, thị trường sẽ phục hồi khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi) được triển khai đúng tiến độ và sẽ có hiệu lực.
Còn theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu các chính sách tác động đến thị trường trong năm 2024 không có gì đột biến thì bất động sản sẽ tiếp tục xu thế hồi phục chậm. Do vậy để thị trường hồi phục nhanh và phát triển bền vững cần phải có 3 yếu tố hỗ trợ, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tăng; các văn bản dưới luật của các bộ luật trên hoàn thành; các công cụ tài chính tiền tệ được nới lỏng.
Về phía Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Hoàng Hải cho hay những quy định mới của các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua sẽ những là bước tiến lớn về chính sách, tạo khung pháp lý quan trọng, hoàn thành sứ mệnh cải cách những bất cập sau thời gian dài áp dụng.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng như: Tập trung tháo gỡ chính sách và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các luật vừa được thông qua; tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho thị trường bất động sản qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; tập trung phát triển nhà ở xã hội; triển khai hiệu quả Nghị quyết 33/CP về các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản.
Để thị trường bất động sản sớm hồi phục và phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ chủ động huy động vốn phát triển dự án cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, phân khúc nhà giá rẻ để tăng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu ở thật của người dân./.