Bài 4: Gỡ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn

 Để xử lý rác thải sau phân loại cần có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, tái chế góp phần giải quyết bài toán về chi phí, công nghệ cũng như nhân lực. Thế nhưng hiện nay, các cơ chế, chính sách cũng như việc thực thi pháp luật về môi trường vẫn còn rất nhiều vướng mắc khiến các doanh nghiệp chưa thực sự “mặn mà” tham gia sâu vào việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt.

Đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ vệ sinh môi trường

Thông tin về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác của thành phố như: Nước rác chảy ra đường từ hoạt động thu gom, tập kết vận chuyển gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Các xe gom rác chờ thu cẩu tập kết hàng dài gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Hạ tầng cho công tác thu gom vận chuyển rác thiếu, chưa rõ cơ chế đầu tư, vận hành. Việc xử phạt hành chính chưa thực hiện tốt dẫn đến không có tính răn đe, không phát huy hiệu quả trong bảo vệ môi trường...

Bài 4: Gỡ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn

Tổng Giám đốc Công ty Urenco Nguyễn Hữu Tiến cho biết, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác

Đặc biệt, trong vấn đề thu giá dịch vụ, hiện mức phí áp dụng đang cào bằng với mức thu phí vệ sinh môi trường là 6 nghìn đồng/người/tháng ở phường và 3 nghìn đồng/người/tháng ở huyện, xã, thị trấn, mức thu phí này rất thấp. Tại các khu vực huyện có diện tích rộng, ít dân, nhà thầu phải cân đối phí dịch vụ với thu rác ngõ xóm (mức thu - không đảm bảo chi) dẫn đến tình trạng rác không được thu gom trong ngày.

Hiện nay, chủ yếu là kinh phí nhà nước chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, điều này không tuân thủ theo đúng nguyên tắc của Luật Bảo vệ môi trường là “người gây ô nhiễm phải trả tiền” cũng như tạo gánh nặng cho ngân sách công.

"Mức vệ sinh môi trường đang cào bằng thu theo đầu người mà không tính theo khối lượng nên dẫn đến người dân không quan tâm, không giảm khối lượng rác", Tổng Giám đốc Công ty Urenco nêu.

Từ bất cập đó, đại diện Công ty Urenco đề nghị thành phố xây dựng và ban hành lại mức phí thu theo khối lượng (thu rác theo lượng thải), đối với hộ kinh doanh tính toán giá dịch vụ áp dụng tính đúng, tính đủ 100% cho các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý. Đối với hộ dân thực hiện theo lộ trình, có thể tăng dần theo từng giai đoạn.

Cùng chung quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường Thăng Long Nguyễn Phúc Thành cho rằng, phải giải quyết xe gom rác, điểm hình thành mất mĩ quan, vệ sinh môi trường trên đường phố. Muốn vậy cần làm quy trình đồng bộ, thực hiện ngay việc quy hoạch đất dành cho trạm trung chuyển ở nội đô. Kèm theo đó, xe thu gom rác nhỏ linh hoạt chuyển rác vào 21h hàng ngày; Đồng thời, điều chỉnh giá dịch vụ vệ sinh môi trường do lượng phát sinh rác hàng ngày rất nhiều, các công ty phải bù tiền nhiều đơn cử như bù tiền xăng vận chuyển rác.

Ông Thành đề nghị thành phố nhanh chóng ban hành điều chỉnh giá dịch vụ để giảm ngân sách cho thành phố; Đồng thời cần đầu tư nhà máy xử lý rác hữu cơ tại chỗ, giảm được vận chuyển, giảm chi phí, giảm tải cho khu xử lý tập trung; Phân cấp triệt để, tăng tính chủ động cho các quận, huyện giải quyết vấn đề tại địa bàn từ chất thải xây dựng, sinh hoạt...

Định mức chi phí tái chế chưa hợp lý

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp thu gom, tái chế, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại Intraco, một đơn vị chuyên thu gom rác thải nhựa để sản xuất thành vật liệu xây dựng chia sẻ, ông đã đi khảo sát hàng trăm bãi rác, ở các xã, vùng nông thôn trên khắp cả nước thì thấy các địa phương chủ yếu xử lý rác bằng hình thức đốt tại một khu đất trống, thậm chí nhiều nơi đốt luôn rác trên đường quốc lộ, đơn cử như đường Hà Nôi – Lào Cai.

Bài 4: Gỡ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn

Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty Intraco chia sẻ mô hình tái chế rác thải nhựa thành gạch

Rác thải chính tại các bãi rác là rác thải nhựa mềm (như nilong, vỏ hộp sữa, túi đựng nước giặt, nước rửa bát…) và rác thải hữu cơ. Theo ông Dũng thì loại rác này hoàn toàn có thể xử lý được như tái chế thành gạch và ép thành dầu. Thế nhưng, các đơn vị tái chế đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận và xử lý những loại rác này.

Ông Dũng chia sẻ, hiện doanh nghiệp của ông đang xin quản lý một số bãi rác thí điểm tại một số tỉnh. Tại các nơi đó, công ty ông đã đầu tư máy phân loại tự động, đánh tơi bao bì rác và phân loại ra thành 3 phần: Rác hữu cơ, rác thải nặng (gạch, đá, rác thải xây dựng… dùng để san lấp mặt bằng) và rác thải nhựa. Toàn bộ phần rác thải nhựa được công ty tái chế thành gạch.

“Vấn đề bất cập ở chỗ, chúng tôi đề xuất làm hệ thống rửa rác thải ngay gần bãi rác đó và đảm bảo xử lý tuần hoàn khép kín cả nước thải, không gây ô nhiễm môi trường nhưng địa phương không đồng ý, chỉ cho phân loại, xử lý sơ. Vì vậy, chúng tôi đành vận chuyển rác ra địa phương khác để xử lý, tái chế”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng đề xuất, các địa phương tạo điều kiện cho đơn vị tái chế quỹ đất, để đầu tư hệ thống rửa túi nilong tại bãi rác và lắp hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn tại đó để tránh gây ô nhiễm thứ cấp.

Bài 4: Gỡ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại Intraco khánh thành trường mầm non được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tái chế tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

Vấn đề thứ hai ông Dũng nêu là theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) chưa hợp lý, cần tính toán lại để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông Dũng, định mức chi phí tái chế cho bao bì vật liệu mềm, có giá trị thu hồi thấp như bao bì nilong, bao bì giấy hỗn hợp cần phải cao hơn chi phí các vật liệu khác để hỗ trợ cho nhà tái chế.

Lí do là bởi loại rác chiếm nhiều nhất tại các bãi rác chính là rác thải mềm (túi nilong, bao bì nước giặt, nước rửa bát…) và rác hữu cơ. Tuy nhiên, trong 77 đơn vị được cấp phép hoạt động tái chế hiện nay, đa phần làm tái chế rác thải cứng vì dễ làm, giá trị cao; Còn lại chỉ có một vài đơn vị làm tái chế rác thải mềm vì khó, chi phí cao nên không mấy mặn mà.

Ông Dũng đặt vấn đề, công ty ông có thể xử lý toàn bộ rác thải mềm tại các bãi rác (đây là loại rác không được thu gom và đổ ra biển rất nhiều) để ép thành gạch, làm vật liệu xây dựng. Thế nhưng, chi phí để làm thành phẩm 1kg gạch (từ thuê nhân công nhặt rác, công nghệ, máy móc…) khoảng hơn 7 nghìn đồng. Trong khi đó, định mức chi phí tái chế trong dự thảo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề ra cũng là hơn 7 nghìn đồng. Liệu có hợp lý?.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VietCycle cho rằng, định mức chi phí tái chế cho bao bì đa vật liệu mềm phải cao hơn gấp đôi bao bì đơn vật liệu mềm. Có như thế mới thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất tìm cách thay thế nguyên liệu, tiết giảm sản xuất, sử dụng các công nghệ cao, từ đó, giảm tải lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Bài 4: Gỡ rào cản, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn

Định mức chi phí tái chế theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu

Trong các văn bản pháp luật của Đảng, nhà nước đều yêu cầu tạo điều kiện ưu tiến phát triển công nghiệp tái chế. Cụ thể, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, xây dựng cơ chế ưu tiên để phát triển mạnh công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn.

Thế nhưng thực tế, theo ông Vượng, trong văn bản danh mục những dự án hạn chế đầu tư của nhiều địa phương có dự án tái chế. Đó là những văn bản trái với Hiến pháp, pháp luật.

Lí do một số địa phương không đồng ý quy hoạch quỹ đất cho nhà máy tái chế là do “ác cảm” ô nhiễm môi trường từ các cơ sở thu gom, tái chế tự phát. Vì thế đa số các địa phương chọn phương án “an toàn” là chôn lấp hoặc đốt rác phát điện.

Nhìn nhận một cách bao quát, ông Vượng cho rằng, nếu phân loại rác tại nguồn tốt thì chi phí xử lý rác thải bằng phương pháp tái chế sẽ thấp hơn rất nhiều so với đốt rác phát điện, quan trọng hơn cả là tuần hoàn rác thải trở lại, giảm khai thác tài nguyên. Vì thế, không có lí do gì để không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tái chế “xắn tay” cùng chính quyền xử lý “vấn nạn” rác thải sinh hoạt, tất nhiên là đơn vị tái chế được chọn phải có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ, đảm bảo cam kết xử lý tuần hoàn rác thải, nước thải, khí thải.

(còn nữa)

Lượt xem: 3
Tác giả: Trí Nhân
Tin liên quan