Bài 3: Cần giải pháp "đòn bẩy" để thu hút các doanh nghiệp

Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo Kế hoạch phát triển nguồn và mạng cấp nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án, đồng thời đang nghiên cứu đề xuất điều chỉnh giá nước sạch theo hướng ưu tiên về giá 10 m3 đầu tiên để hỗ trợ cho người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án

Theo ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), để mở rộng mạng cấp nước cho các xã còn lại, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa nước sạch tới 100% địa bàn nông thôn, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi 2 dự án và điều chỉnh 1 dự án... Với các xã chưa kết nối mạng cấp nước, 9 đơn vị đang thực hiện 11 dự án mở rộng mạng cấp nước; Trong đó có 1 dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai, cấp nước cho khu vực miền núi các xã: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang; Địa bàn 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa và 26 xã của huyện Mỹ Đức do Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam đầu tư mở rộng mạng cấp nước, kết nối nguồn cấp bổ sung từ tỉnh Hà Nam;

Với 21 xã còn lại của huyện Thường Tín do Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội đầu tư mạng cấp nước, đấu nối bổ sung thay thế nguồn nước ngầm cho các trạm cấp hiện có; 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai do Công ty cổ phần Viwaco triển khai, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông khớp nối đồng bộ với hệ thống mạng cấp nước hiện có trong khu vực; Còn 11 xã của huyện Chương Mỹ và 2 xã của huyện Quốc Oai do tiếp giáp, đan xen với hệ thống cấp nước của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai đang quản lý, đầu tư nên đơn vị đề xuất điều chỉnh dự án mở rộng vùng cấp nước cho các xã trên...

Công nhân Trạm cấp nước Nam Sơn 3, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn giám sát quá trình cấp nước

Công nhân Trạm cấp nước Nam Sơn 3, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn giám sát quá trình cấp nước

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, đang thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt theo quy định để các đơn vị mở rộng vùng cấp nước cho khu vực thực hiện.

Với các khu vực đã giao cho nhà đầu tư (4 xã tại huyện Ba Vì, 8 xã huyện Đan Phượng, 4 xã huyện Chương Mỹ), Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2023-2025, thành phố xác định hoàn thành 2 dự án phát triển nguồn nước sạch, gồm: Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày - đêm) và Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất từ 300.000m3/ngày - đêm lên 600.000m3/ngày - đêm. Đồng thời, thành phố triển khai hệ thống cấp nước Xuân Mai, dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì và nghiên cứu dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Năm 2023, Sở Xây dựng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ cấp nước sạch cho khu vực nông thôn lên 90%. Theo đó sẽ có thêm 3 xã tại huyện Đông Anh, 10 xã tại huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, 3-5 xã tại huyện Thạch Thất, 5 xã tại huyện Chương Mỹ, 5 xã tại huyện Sóc Sơn được kết nối với hệ thống mạng cấp nước của thành phố.

Điều chỉnh chính sách về giá

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án sẵn có, việc điều chỉnh giá nước là một trong những giải pháp “đòn bẩy” để thu hút các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch khiến việc thu hút nhà đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2025, nếu tiến độ đầu tư các dự án nguồn cấp nước không bảo đảm theo kế hoạch, thành phố có thể lại đối mặt với thiếu nước sinh hoạt.

Hiện, giá bán nước sạch tại Hà Nội đang được áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Theo đó, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) là 5.973 đồng/m3; Từ trên 10 đến 20m3 là 7.052 đồng/m3; Từ trên 20 đến 30m3 là 8.669 đồng/m3; Từ trên 30m3 là 15.929 đồng/m3.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng thông tin

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng thông tin về phương án điều chỉnh giá nước

Tuy nhiên, theo Sở Tài chính Hà Nội, 10 năm qua, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đã tăng nên giá bán nước sạch đến thời điểm này cơ bản không đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, chi phí cấu thành giá bán nước sinh hoạt gồm: Nguyên, vật liệu (hóa chất xử lý, điện); Nhân công (tiền lương, bảo hiểm xã hội, ăn ca); Chi phí sản xuất chung (khấu hao tài sản cố định, chi phí xét nghiệm nước); Chi phí quản lý doanh nghiệp (tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); Chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí an toàn cấp nước... Vì vậy, việc điều chỉnh giá nước là yêu cầu cấp thiết.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng cho biết: Tại dự thảo phương án giá trình UBND TP Hà Nội, chúng tôi cũng đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng… theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Theo phương án điều chỉnh mà Sở Tài chính đề xuất, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên mức 7.500 đồng/m3 từ ngày 1/7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng.

Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước gồm cán bộ của 6 Sở, ngành đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người.

Như vậy, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.

Giá thành cần song hành cùng chất lượng

Bày tỏ quan điểm về việc điều chỉnh giá nước, nhiều người dân chia sẻ, họ đồng thuận chủ trương nhưng cần đảm bảo chất lượng nguồn nước. Anh Nguyễn Văn Hiến (31 tuổi, ở Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng gia đình anh phải trả hơn 200.000 đồng chi phí nước sinh hoạt. Việc tăng giá nước thêm một vài chục nghìn mỗi tháng với khu vực đô thị là chấp nhận được nhưng cần bảo đảm nguồn nước sạch, chất lượng cao.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thu Hiền (48 tuổi, ở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đọc được thông tin liên quan đến điều chỉnh giá nước nhưng tính ra cũng không tăng quá nhiều. Tôi nghĩ, việc tăng giá nước sạch cũng giúp nâng cao ý thức tiết kiệm nước của mọi người. Điều quan trọng mà chúng tôi quan tâm là làm sao bảo đảm nguồn nước sạch, chất lượng tốt và đủ nước dùng, nhất là trong những đợt cao điểm mùa hè”.

Người dân đồng thuận chủ trương điều chỉnh giá nước nhưng cần đảm bảo chất lượng nguồn nước (Ảnh minh hoạ)

Người dân đồng thuận chủ trương điều chỉnh giá nước nhưng cần đảm bảo chất lượng nguồn nước (Ảnh minh hoạ)

Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), với những tính toán của doanh nghiệp thì việc tăng giá nước sạch là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá cần được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của việc tăng giá nước sạch đến đời sống. Việc tăng giá cần phải phù hợp để không gây lo ngại cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý thu hút đầu tư tư nhân để có thể mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Để làm được chúng ta cần phải hoàn thiện các khuôn khổ, quy định cho thị trường.

Việc điều chỉnh giá nước sẽ giải quyết bài toán về chi phí, để các đơn vị đầu tư “mặn mà” tham gia các dự án xây dựng hệ thống cấp nước, đồng thời đảm bảo cung ứng đủ nguồn nước sinh hoạt lâu dài. Với người dân, điều cốt lõi họ cần song hành cùng điều chỉnh giá nước là làm sao để chất lượng nguồn nước đáp ứng đủ tiêu chí: Đủ - sạch - chất lượng cao.

Vì vậy, với các giải pháp đồng bộ về nâng cao hiệu quả công tác cung cấp nước sạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cấp nước, điều chỉnh giá bán hợp lý để thu hút nhà đầu tư…, kì vọng, mục tiêu phủ sóng nước sạch đến 100% người dân của Thủ đô sẽ sớm cán đích.

Lượt xem: 5
Tác giả: Diệu Linh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật