58% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thực hiện cam kết ESG trong 2-4 năm tới

Theo báo cáo của PWC (2024), tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.

trai-phieu-xanh.jpg

58% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thực hiện cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh đang từng bước được hình thành.

TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho biết, từ năm 2015 tới nay, thị trường chứng khoán xanh tại Việt Nam đã hình thành và phát triển, bao gồm cả cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Theo TS. Nga, việc thiết lập khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh được thể hiện ở 6 chính sách gồm:

Một là, nghiên cứu thiết lập khung tài chính xanh cho hoạt động trên thị trường vốn như các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

Hai là, chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường được xây dựng và áp dụng: cuối tháng 3/2017, HOSE công bố Chỉ số Phát triển bền vững (Việt Nam Sustainability Index - VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017.

Ba là, ban hành quy chế, hướng dẫn về công bố báo cáo quản trị rủi ro môi trường và xã hội (Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị (G)) đối với các doanh nghiệp niêm yết; Áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu về ESG để cho phép doanh nghiệp lên sàn (Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán). Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.

Bốn là, hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu xanh tại Luật BVMT 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật BVMT, và các Nghị định quy định phát hành, đăng ký, lưu ký và niêm yết và giao dịch công cụ nợ. Chính sách phát triển trái phiếu xanh đã được thể hiện tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 ngày 29/12/2023 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

tai-chinh-xanh-vai-tro-then-chot-trong-viec-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-xanh.jpg

TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Năm là, cam kết thúc đẩy phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán với vai trò là thành viên của Sáng kiến các Sở Giao dịch Chứng khoán phát triển bền vững (SSE) thuộc Liên hiệp quốc.

Sáu là, các chính sách ưu đãi với phát triển thị trường chứng khoán xanh được ban hành: Theo Thông tư số 101/2021/TT-BTC, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, lưu ký chứng khoán. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự kiến trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ trái phiếu xanh trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn.

Với những chính sách trên, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính khẳng định thị trường chứng khoán xanh ngày càng mở rộng về quy mô. Doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đang thể hiện mức độ cam kết cao đối với thực hiện cam kết ESG.

"Theo báo cáo của PWC (2024), tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới", TS. Nguyễn Thanh Nga thông tin thêm.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cũng cho biết, Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore, trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng.

Vào tháng 7/2022, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực - EVNFinance đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm với lãi suất 6,7%/năm, được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo - Công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia.

Thông tin thêm về thị trường trái phiếu xanh, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, giai đoạn 2016-2020, đã có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng vào năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng vào năm 2023.

tai-chinh-xanh-o-viet-nam-thuc-trang-va-kien-nghi-giai-phap_1.jpg

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

“Về cổ phiếu xanh, từ năm 2016, Việt Nam từng bước thực hiện Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchanges Initiative – SSE) được thành lập năm 2009, với nhiều hoạt động, như: Thực hiện đào tạo về các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG) trong quản trị công ty; ban hành Sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp niêm yết thực hiện báo cáo ESG năm 2016; các công ty niêm yết phải công bố Báo cáo phát triển bền vững từ năm 2016”, TS. Cấn Văn Lực nói thêm.

Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cũng cho rằng, số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn ít và các mục tiêu ESG đưa ra còn khá chung chung. Chỉ số phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam (VNSI) được vận hành từ năm 2017, gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số VNSI có hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index nhưng VNSI lại chưa thực sự phổ biến trên thị trường, chưa mang nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

ong-to-tran-hoa.jpg

Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ở góc độ triển khai trực tiếp về chứng khoán xanh, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay, với tầm quan trọng của công cụ tài chính xanh, tại Quyết định số 1726, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, UBCKNN triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công cụ tài chính xanh như: nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh; Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững; Nghiên cứu các giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật; Triển khai hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm nghiên cứu các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm liên quan đến tài chính xanh và phát triển bền vững.

Để triển khai hiệu quả các giải pháp này, ông Tô Trần Hòa cho biết, UBCKNN sẽ thực hiện một số giải pháp đồng bộ gồm: phối hợp với các bộ, ngành trong việc ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế; yêu cầu doanh nghiệp có dự án xanh công bố thông tin một cách minh bạch, đầy đủ, chính xác về các dự án xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đầu tư vào các dự án xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; nghiên cứu, hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) (vận hành từ năm 2017) để phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của TTCK...

 
Lượt xem: 6
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết