5 doanh nghiệp xăng dầu bị rút giấy phép kinh doanh, Bộ Công Thương nói gì?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết lý do khiến 5 doanh nghiệp xăng dầu bị rút giấy phép kinh doanh chủ yếu là do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin tới báo giới về vụ việc Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp,
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết ngày 15/2, bộ đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đến ngày 31/8, cơ quan Thanh tra đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 doanh nghiệp và các công ty con của các doanh nghiệp này với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Công Thương còn ban hành 5 quyết định xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn một tháng đối với 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, 5 doanh nghiệp này gồm Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương.
Lỗi vi phạm của các doanh nghiệp được ông Hải cho biết chủ yếu là do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu.
"Với 5 doanh nghiệp này, ngoài việc không được xuất - nhập khẩu xăng dầu, các doanh nghiệp này cũng không được mua xăng dầu ở trong nước, không được bán xăng dầu cho các đơn vị khác”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Liên quan đến việc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu của 5 doanh nghiệp trên có ảnh hưởng gì đến thị trường hay không, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
“Chúng tôi đang xử lý và hi vọng sẽ tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong điều kiện hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Vì sao giá dầu cao hơn giá xăng? Liên quan tới đến việc giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết về góc độ điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương và Bộ Tài chính thấy rằng 2 loại giá này đều cao. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguyên nhân trước hết tại thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga - Ukraine khiến nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu hỏa và dầu diesel tăng nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt, điều này dẫn đến giá thành sản phẩm dầu tăng cao, nằm ở mức tương đương hoặc cao hơn so với giá xăng. Hiện nay, trung bình trên thế giới bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Còn ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng và dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh cũng rất khác nhau. Thực tế cho thấy, nhu cầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0% - 0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% và xăng là 8 - 10%. Do đó giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn tăng cao hơn so với giá dầu. Tuy nhiên ở kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9, do giá xăng và giá dầu trên thế giới có sự chênh lệch lớn. Giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 30 - 35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng. |