‘Sóng’ cổ phiếu kết quả kinh doanh quý IV

Diễn biến thị trường đang thể hiện mức độ phân hóa mạnh, trong đó các cổ phiếu có thông tin tích cực hỗ trợ đang được dòng tiền ưu ái tìm đến nên tăng giá mạnh mẽ.

Dòng tiền thận trọng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày khiến thanh khoản khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt trên 11.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu nhận hiệu ứng tăng giá vượt trội trong bối cảnh có thông tin tích cực hỗ trợ, nhất là nhờ kết quả kinh doanh quý IV/2023 khởi sắc.

Cổ phiếu tăng trưởng tích cực nhờ thông tin hỗ trợ

Điển hình, nhóm cổ phiếu liên quan Tập đoàn Hoàng Huy có diễn biến đáng chú ý khi HHS (Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy) tăng trần, TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy) tăng 3,5% trong phiên 29/1. Trong đó, cổ phiếu HHS trắng bên bán, đóng cửa ở mức 7.690 đồng/cp.

HHS tăng giá trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV với lợi nhuận trước thuế tăng 142% lên 168 tỷ đồng chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận đến từ công ty liên doanh, liên kết. Luỹ kế cả năm 2023, lãi trước thuế của doanh nghiệp đạt 361 tỷ đồng, tăng 51%.

-4102-1706608734.jpg

Nhiều cổ phiếu nhận hiệu ứng tăng giá vượt trội nhờ kết quả kinh doanh quý IV/2023 khởi sắc. (Hình minh họa)

Đáng chú ý, cổ phiếu QNP của CTCP Cảng Quy Nhơn tăng trần ngay trong phiên đầu tiên chào sàn HoSE 18/1, với giá tham chiếu 19.100 đồng/cp. Đến nay, cổ phiếu này đã ghi nhận 9 phiên tăng trần liên tiếp. Thị giá kết phiên 30/1 là 39.100 đồng/cp, tăng gần 105% so với phiên đầu tiên, nâng vốn hoá lên hơn 1.500 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE trong tuần trước (22-26/1) với mức tăng 40%.

Đà bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu QNP còn được tiếp sức khi công ty hé lộ BCTC quý IV/2023 với nhiều điểm sáng. Cụ thể, doanh thu thuần quý cuối năm 2023 đạt 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp có lãi trở lại 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, mặc dù doanh thu thuần giảm 12% về gần 939 tỷ đồng, nhưng lãi ròng ghi nhận hơn 112 tỷ đồng, tăng mạnh 154%.

Cũng trong tuần qua, cổ phiếu HCD (Đầu tư sản xuất và thương mại HCD) ghi nhận diễn biến tích cực khi cả tuần tăng giá, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần. Đà tăng của cổ phiếu này cũng xuất hiện sau khi công bố kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt 22 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi cao nhất của doanh nghiệp từ khi lên sàn.

Tương tự, trước những thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2023 duy trì tăng trưởng, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp giao dịch sôi động như: D2D (Phát triển đô thị công nghiệp số 2), SIP (Đầu tư Sài Gòn VRG), TIP (Tín Nghĩa), NTC (Nam Tân Uyên)…

Ngoài ra, thị trường có rất nhiều cổ phiếu có diễn biến tăng giá vượt trội, đột biến trong tuần qua khi có những thông tin kết quả kinh doanh ấn tương như trong nhóm phân bón với LAS (Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) tăng 11,26%, DDV (DAP – Vinachem) tăng 2,91%; cổ phiếu hóa chất CSV (Hóa chất cơ bản miền Nam) tăng 17,17%, cổ phiếu nông nghiệp HAG (Hoàng Anh Gia Lai) tăng 7,30%, HNG (HAGL Agrico) tăng 5,29%, MCM (Sữa Mộc Châu) tăng 4,83%; cổ phiếu ngành săm lốp DRC (Cao su Đà Nẵng) tăng 5,89%...

Và rất nhiều mã ở các ngành khác nhau tăng giá mạnh như VFG (Khử trùng Việt Nam) tăng 16,16%, VTP (Bưu chính Viettel) tăng 11,65%, ACV (Cảng hàng không) tăng 8,27%, DXP (Cảng Đoạn Xá) tăng 7,38%, FRT (FPT Retail) tăng 5,11%...

“Đu sóng” sao cho đúng?

Nhìn chung, dòng tiền gần Tết chưa thực sự sẵn sàng quay lại thị trường, tâm lý đứng ngoài nghe ngóng còn nhiều, đặc biệt ở nhà đầu tư cá nhân. Chưa kể, trong hơn một tháng qua, các nhóm cổ phiếu chủ yếu đi ngang trong biên hộp khoảng 7-10%, nên đa số chưa có lãi nhiều. Do đó, nhà đầu tư đang cố “bấu víu” vào kết quả kinh doanh quý IV/2023 để "kiếm cái Tết no ấm” là điều dễ hiểu, nhất là những cổ phiếu đang được định giá rẻ và tích lũy ở nền giá thấp.

Dù vậy, theo các chuyên gia, do tình hình thế giới đang có nhiều biến động khó dự đoán như xung đột địa chính trị, căng thẳng ở Biển Đỏ, những sự kiện này có thể xoay chuyển trong thời gian ngắn và tạo ra những rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong dịp Tết khi thị trường tạm ngừng giao dịch trong một thời gian dài. Nếu thông tin tiêu cực xuất hiện, nhà đầu tư không thể phản ứng ngay và gây rủi ro lớn cho danh mục.

Chưa kể, việc “đu sóng” theo kết quả kinh doanh có thể “vỡ mộng” vì thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đã từng ghi nhận kết quả kinh doanh sau kiểm toán lỗ ngược trở lại.

“Nhà đầu tư vẫn nên “nắn nót” trong việc giải ngân đối với các vị thế mới. Cân nhắc gia tăng tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp rung lắc nếu thấy thị trường có dấu hiệu điều chỉnh với thanh khoản thấp và hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng điểm hưng phấn”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, hiện chỉ còn một số ít các nhóm ngành hiện vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn với triển vọng kinh doanh tích cực và được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới, bao gồm: ngân hàng, dầu khí, xây dựng hạ tầng và sản xuất điện. Ngoài ra, bất động sản khu công nghiệp cũng là một nhóm ngành cần chú ý.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua tăng giá quá mạnh, dễ gặp điều chỉnh lớn. Trong khi đó, dù còn nhiều thách thức, nhưng ngành bất động sản khu công nghiệp đang có nhiều thuận lợi tăng trưởng.

Theo chuyên gia từ Chứng khoán VPS, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp còn nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực. Dự báo tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp sẽ cao và giá thuê vẫn tăng, dòng vốn FDI tiếp tục diễn biến khả quan, với sự hỗ trợ từ các chính sách thuận lợi và cải thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu vực phía Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất và vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tỷ lệ đáng kể.

Còn chuyên gia từ Chứng khoán MB (MBS) cho biết kết thúc năm 2023, tổng diện tích đất công nghiệp cả nước đạt 89,2 nghìn ha, tăng 1,5% so với năm 2022, với mức tăng chủ yếu ở thị trường miền Bắc.

Tổng diện tích đất khu công nghiệp đã cho thuê đạt khoảng 51,8 nghìn ha, tăng 2,8 nghìn ha, tăng 5,7% so với năm 2022, tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%. Giá cho thuê ở miền Nam ổn định ở mức 168 USD/m2, trong khi giá cho thuê tại miền Bắc tăng 10% so với năm 2022, đạt 123 USD/m2.

MBS cũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ những hiệp định thương mại đã ký kết, chi phí lao động và điện năng hấp dẫn. Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp thu hút đầu tư vào phát triển công nghệ cao.

Hải Giang

Lượt xem: 20
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật