‘Ông lớn’ công nghệ nộp thuế ra sao tại Việt Nam?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu được từ các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook, Microsoft... tăng vọt, liên tục trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, Google đã nộp thuế gấp ba lần so với Microsoft, nhỉnh hơn so với Facebook… cho thấy công tác quản lý thuế phần nào đã có hiệu quả.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, số thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.588 tỷ đồng.
Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 130%. Đặc biệt, số thu tăng cao từ năm 2021, đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Trong số này Facebook nộp 2.099 tỷ đồng, Google gần 2.115 tỷ đồng, Microsoft nộp 714 tỷ đồng…
![]() |
Bộ Tài chính đang xây dựng đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quản quản lý thuế thương mại điện tử |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Theo thống kê, thị trường TMĐT tại Việt Nam rất tiềm năng với doanh thu đạt 14 tỷ USD trong năm 2021, mức tăng trưởng trung bình 16%/năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ đạt khoảng 52 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Trong đó các ông lớn công nghệ như Google, Facebook, Microsoft… chiếm phần lớn miếng bánh béo bở này tại thị trường nội địa.
Thế nhưng số thu “tăng trưởng nhanh, liên tục” nói trên mới chỉ là thuế nhà thầu khấu trừ, còn bản thân họ không trực tiếp nộp thuế. Chưa kể, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Khó khăn nữa là khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với kinh doanh TMĐT. Bởi, thực tế một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội.
Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế, Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian qua đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, qua đó đã tập hợp được bộ cơ sở dữ liệu một số sàn giao dịch TMĐT (Shopee, Tiki,...) để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn, qua đó chia sẻ dữ liệu cho các cục thuế trực tiếp rà soát, đối chiếu thông tin về doanh thu phát sinh trên sàn TMĐT với doanh thu mà doanh nghiệp đã kê khai để có cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung theo quy định pháp luật.
Lũy kế số thu thuế từ xử lý vi phạm, chống thất thu với tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ kinh doanh TMĐT, tới hết tháng 8/2022 là khoảng 1.082 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng và tiếp tục tăng trong 8 tháng đầu năm nay, gần 521 tỷ đồng, tăng 2 lần so với số thu 2021.
Đặc biệt, tháng 3 năm nay, Bộ đã triển khai đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Công thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Đến nay, đã có 140.615 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng thuế điện tử trên eTax Mobile; 69.465 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền hơn 308 tỷ đồng.
Có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netflix, Samsung, TikTok, eBay,…) đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế, với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.
Trong bối cảnh dó, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu các đề xuất tăng cường quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, tránh thất thu thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, một số chuyên gia đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các hoạt động TMĐT.
“Tôi cho rằng, đây là giải pháp hay, cũng là điều mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị, đã được áp dụng tại một số nước như Argentina, Ecuador, Paraguay. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này cần phải củng cố rất nhiều về căn cứ pháp lý, sửa đổi về Luật Thuế giá trị gia tăng, về thu nhập cá nhân hay luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật có liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này”, bà Lan Anh chia sẻ.
Thanh Hoa