Quảng Ninh hoàn thành gần xong mục tiêu thu hút đầu tư 2023

Sau 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành gần xong mục tiêu thu hút vốn đầu tư với 83% chỉ tiêu vốn FDI và 104% vốn trong nước. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh liên tục trao giấy chứng nhận đầu tư với giá trị lớn cho các doanh nghiệp FDI.

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh vừa thông tin về việc thực hiện chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”.

Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã hoàn thành gần xong mục tiêu cả năm về thu hút đầu tư với kết quả đạt 83% chỉ tiêu về vốn FDI và 102,4% chỉ tiêu về vốn trong nước. Qua đó, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để làm được điều đó, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư

Quảng Ninh đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức các hội nghị quy mô cấp quốc gia, cấp vùng gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Ngay từ đầu năm, tỉnh cũng hoàn thành ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh.

Hai dự án của Foxconn tạo việc làm cho gần 2.000 lao động của Quảng Ninh đến làm việc

Hai dự án của Foxconn tạo việc làm cho gần 2.000 lao động của Quảng Ninh đến làm việc

Cụ thể, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT). Trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái; Ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

Đồng thời, tỉnh xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn, có thương hiệu và uy tín. Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với các tập đoàn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Lite-On Technology (Đài Loan, Trung Quốc), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đoàn doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn Adani và Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam…

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đất đai, đầu tư, xây dựng. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư các dự án, nhất là tại các KKT, KCN trên địa bàn.

Quảng Ninh là mảnh đất vàng cho nhà đầu tư FDI

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2023 của Quảng Ninh ước đạt gần 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy (ít nhất 1,0 tỷ USD), đạt 69,3% kế hoạch của UBND tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD).

Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 17 dự án, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (trong đó có 2 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD) thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT.

Bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đáng mừng hơn, chỉ cần 6 tháng, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu đặt ra của cả năm 2023 về thu hút vốn đầu tư trong nước. Cuối tháng 6/2023, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 44.017,15 tỷ đồng, bằng 102,4% kế hoạch năm của UBND tỉnh (43.000 tỷ đồng), tăng 29,8% cùng kỳ (33.923 tỷ đồng).

Castem Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai

Castem Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai

Trong đó, một số dự án lớn như Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên tại KKT ven biển Quảng Yên do Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến là 36.034,94 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng lỏng Yên Hưng 792 tỷ đồng...

Mới đây nhất, tỉnh Quảng Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn xây dựng 2 nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.

Hai dự án này dự kiến giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động cho địa phương, đồng thời nâng số dự án của tập đoàn tại Quảng Ninh lên 3 dự án với tổng số vốn trên 300 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam).

Cũng tại KCN Sông Khoai, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Castem Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất (45 năm) để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, với trị giá gần 19 triệu USD. Đây là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai.

Hiện Ban Quản lý KKT đang hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 8 dự án FDI, điều chỉnh tăng vốn 1 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký dự kiến là 367,1 triệu USD.

Lượt xem: 4
Tác giả: Trần Huyền
Tin liên quan