Mạnh tay rót vốn hướng đến ‘siêu cảng cạn’ ở Việt Nam

Một dự án “siêu cảng cạn” kho vận quốc tế tại miền Bắc với vốn đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng đang được thúc đẩy nhanh thông qua việc tiếp cận nguồn tài chính quốc tế. Với dư địa tăng trưởng khá dồi dào, việc mạnh tay rót vốn cho các các cảng cạn ở Việt Nam được kỳ vọng đưa ngành kho vận Việt vươn tầm thế giới.

Dự án Trung tâm Logistics và Cảng cạn quốc tế (ICD) Vĩnh Phúc nằm cách Hà Nội khoảng 60km tại phía bắc tỉnh Vĩnh Phúc, do Công ty cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên doanh của công ty kho vận hàng đầu Singapore là Tập đoàn YCH và Tập đoàn T&T của Việt Nam) phát triển.

Vai trò lớn của “siêu cảng cạn”

Dự án này là một trong những ICD lớn của Việt Nam đang hướng đến “siêu cảng cạn” với các hạng mục kho vận đa phương thức, trong đó có 1 trung tâm phân phối quốc tế và 1 cảng cạn nội địa phục vụ kết nối đường sắt và đường hàng không. 

HINH-7705-1645092526.jpg

Về dài hạn, dư địa tăng trưởng của các DN đầu tư vào lĩnh vực kho vận và cảng cạn ở Việt Nam vẫn khá dồi dào.

Việc đưa vào vận hành một trung tâm kho vận như vậy ở khu vực phía Bắc sẽ giúp thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế. Đặc biệt là giúp giảm chi phí kho vận, và tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam khi đang nỗ lực trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng mới của khu vực.

Trung tâm ICD Vĩnh Phúc được cho là có vị trí chiến lược khi nằm gần các cảng nội địa, sân bay quốc tế Nội Bài, và các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc và Lào. 

“Siêu cảng cạn” cũng thuộc phạm vi tiếp cận của 20 khu công nghiệp, cho phép cảng cạn này trở thành trung tâm phục vụ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp (DN) trong nước. 

Khi đi vào hoạt động, dự kiến siêu cảng cạn sẽ xử lý khoảng 10% tổng sản lượng hàng hóa container ở các tỉnh phía Bắc. 

Siêu cảng cạn này sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các dịch vụ kho vận tại Việt Nam và giảm chi phí dịch vụ kho vận, vốn vẫn ở mức cao, chiếm 21% tổng sản phẩm quốc nội năm 2019, so với mức dưới 10% ở các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Chính tầm quan trọng nêu trên, mới đây, IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết sẽ nhận ủy thác độc quyền từ Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn YCH, sau khi kết thúc thành công thỏa thuận hợp tác phát triển dự án này, để thu xếp nguồn tài trợ vốn dài hạn cho dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Tổng vốn đầu tư cho dự án dự kiến sẽ lên đến hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương 199 triệu USD). 

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch IFC phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ phát triển dự án “siêu cảng” Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc dựa trên kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ phát triển các cảng và trung tâm logistics trên toàn cầu, trong đó có việc thiết kế dự án đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài".

Đưa ngành kho vận Việt vươn tầm thế giới

“Việc IFC tham gia vào dự án này ngay từ giai đoạn đầu thiết kế dự án sẽ giúp đảm bảo dự án được phát triển đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất để có thể thu hút được nguồn tài trợ quốc tế”, ông Mora chia sẻ. 

Cũng theo vị Phó chủ tịch IFC phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương, dự án này sẽ không chỉ giúp cải thiện ngành kho vận của Việt Nam để hỗ trợ tốt hơn khu vực sản xuất chế tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ trở thành một dự án kiểu mẫu mà các nhà phát triển dự án có thể nhân rộng ở các thị trường khác trong khu vực, góp phần cải thiện toàn bộ năng lực logistics của khu vực ASEAN.

Còn theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, việc tiếp cận được nguồn tài chính quốc tế giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc nhanh chóng hoàn thiện và đi vào vận hành, góp phần giảm chi phí thương mại, tăng sự ổn định cho các DN, thúc đẩy tăng trưởng thương mại ở các quốc gia, và hướng tới mục tiêu lâu dài là đưa ngành kho vận Việt Nam vươn tầm thế giới.

Có thể nói, việc mạnh tay thu xếp nguồn tài chính quốc tế cho những dự án “siêu cảng cạn” như vậy là rất cần thiết trong lúc này. Nhất là khi các cảng cạn ở miền Bắc do thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa thể hoạt động mạnh như các cảng cạn ở miền Nam.

Các cảng cạn tại miền Nam được đánh giá là hoạt động hiệu quả cao khi phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa (chiếm 30 -35%), hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực Tp.HCM. Một số cảng cạn đã có sự gắn kết với các cảng biển và vận tải biển như một mắt xích trong dây chuyền vận tải đa phương thức.

Giới phân tích cho rằng về dài hạn, dư địa tăng trưởng của các DN đầu tư vào lĩnh vực kho vận và cảng cạn ở Việt Nam vẫn khá dồi dào. Nếu có nguồn tài chính mạnh và được đầu tư phù hợp, các DN Việt Nam trong lĩnh vực cảng cạn hoàn toàn hưởng lợi từ nhu cầu lớn của hoạt động vận tải đa phương thức kết nối các cảng cạn.

Trong phát triển cảng cạn vươn tầm quốc tế, giới chuyên gia lưu ý các DN ở lĩnh vực này cần đầu tư trong một khu vực có tiềm năng được phát triển như các khu công nghiệp, trung tâm sản xuất và các khu kinh tế đặc biệt, và được đặt càng gần càng tốt các tuyến trục chính đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa, cảng hàng không.

Ngoài ra, khi đầu tư cảng cạn, các DN cần xây dựng với công suất đủ để đảm bảo tính hiệu quả, đáng tin cậy và tính kinh tế của vận tải container và hàng hóa khác. Công suất cảng cần được xác định bằng dự báo hợp lý khối lượng container và hàng hóa, cũng như phải đảm bảo cho việc mở rộng trong tương lai.

      Thế Vinh

Lượt xem: 260
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan