Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài

Thông tư sửa đổi một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán được kỳ vọng là điểm tựa pháp lý vững chắc để nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán, hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường.

Ngày 26/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì Hội nghị thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và đại diện các công ty chứng khoán thành viên, một số ngân hàng thương mại với vai trò ngân hàng lưu ký.

Đồng thuận để tiến bước

Tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN và ông Dương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc VSDC đã trình bày sơ lược các nội dung trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 thông tư (Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC và Thông tư số 96/2020/TT-BTC). Trong đó, hai nội dung quan trọng nhất của dự thảo Thông tư sửa đổi là: Giải pháp để nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.

Với quy định gỡ bỏ Pre-funding, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có thể được thêm một ngày thương thảo nếu chưa thanh toán. Đây là thay đổi quan trọng so với phiên bản dự thảo đầu tiên, chuyển thời điểm tổ chức nước ngoài cần có đủ tiền trên tài khoản từ khoảng 14h30 chiều ngày T+1 (sau giao dịch 1 ngày) sang 9h30 ngày T+2.

Bên cạnh quy định gỡ vướng giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, dự thảo Thông tư tiếp tục bổ sung quy định công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.

Theo lộ trình được vạch ra, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn sẽ công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01/01/2025. Tiếp đó, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thêm thông tin bất thường, thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của công ty đại chúng đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01/01/2026.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương.

Đóng góp ý kiến thảo luận về dự thảo Thông tư, đại diện các công ty chứng khoán thành viên thị trường, ngân hàng lưu ký và đại diện các bộ, ngành đều đồng thuận, nhất trí với các nội dung trong dự thảo, đồng thời đánh giá cao sự cầu thị của cơ quan quản lý, cơ quan chủ trì soạn thảo là UBCKNN đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên trong quá trình xây dựng dự thảo.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Hội nghị thảo luận cũng đặt ra mối quan tâm về rủi ro dòng tiền đối với các công ty chứng khoán khi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có khả năng thanh toán, thao túng giá chứng khoán, quy trình nghiệp vụ khi Thông tư sửa đổi có hiệu lực…

Sửa đổi để nâng cao chất lượng thị trường

Sau khi nghe 2 báo cáo và hàng chục ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh theo ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức và cá nhân để sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bà Phương cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, UBCKNN đã cân nhắc và tính toán rất nhiều, “đong đếm” thiệt hơn cho từng chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo tính công bằng đối với tất cả nhà đầu tư, các công ty chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Tài chính, UBCKNN và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ có những giải pháp quản lý chặt đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài yếu kém tham gia thị trường với mục đích không tốt, thao túng thị trường.

Ghi nhận và tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi giao cho UBCKNN, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Thông tư, sớm có đánh giá cẩn trọng, cân nhắc những nội dung cần điều chỉnh để các quy định có hiệu quả, đi đúng hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, việc hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi lần này là bước đi đầu tiên để nâng cao chất lượng giao dịch chứng khoán, thanh toán chứng khoán, hoạt động của các công ty chứng khoán và công bố thông tin của các công ty niêm yết. Đây là 4 nội dung quan trọng của dự thảo thông tư sửa đổi, giúp hoạt động thị trường tiến thêm một bước nữa, gần với thông lệ quốc tế và dần tiến đến mục tiêu dài hạn hơn là bỏ ký quỹ đối với tất cả nhà đầu tư, thời hạn thanh toán ngắn hơn, hệ thống giao dịch trơn tru hơn...

“Vì vậy, sự đồng thuận cải cách, cải tiến chính là điều kiện tiên quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam bước thêm một bước mới, tạo nền tảng cho những bước tiến xa hơn, dài hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.  

Thứ trưởng đánh giá cao sự đồng thuận từ cơ quan quản lý nhà nước, UBCKNN, VSDC, các bộ, ngành liên quan, các công ty chứng khoán thành viên, các ngân hàng thanh toán lưu ký… đã có nhiều đóng góp tích cực để nâng cao chất lượng thị trường.

Song song với việc sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký duyệt, ban hành, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng yêu cầu, sớm ban hành các quy trình nghiệp vụ để thực hiện Thông tư sửa đổi này.

“Ngay khi Thông tư sửa đổi có hiệu lực, các quy trình nghiệp vụ phải sẵn sàng để vận hành trơn tru. Nếu các quy định mới được vận hành vào thực tế đúng như tính toán, kỳ vọng, điều này sẽ giúp rất nhiều cho tiến trình nâng hạng”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Lượt xem: 3
Tác giả: Minh Lâm