Đón hơn 15 tỷ USD vốn ngoại, cơ hội để Việt Nam chuyển đổi kinh tế xanh

Được cam kết 15,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam theo chương trình “Chuyển dịch năng lượng công bằng” (JETP), nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng dòng vốn này sớm khơi thông.

Hút vốn ngoại từ cam kết JETP

Sau hơn 40 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu đầu tiên, các chuyên gia đánh giá tiến triển mô hình kinh tế không phát thải toàn cầu vẫn chưa như kỳ vọng.

Đơn cử, mặc dù báo cáo “Tiến độ SBTi” cho biết năm 2021 đạt kỷ lục về doanh nghiệp đặt mục tiêu theo cam kết, nhưng báo cáo “Khoảng cách phát thải năm 2022” của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ ra tiến độ COP26 hiện nay là không tương xứng. Do vậy, LHQ tiếp tục kêu gọi các nước “xem xét lại và tăng cường” những mục tiêu đến năm 2030.

Tuy nhiên, vấn đề của các nước đang phát triển hiện vẫn là chi phí triển khai kế hoạch này, dù COP27 đã cam kết thành lập quỹ hỗ trợ thiệt hại do biến đổi khí hậu, tập trung vào các khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Theo tính toán của McKinsey, thế giới cần đầu tư 9.200 tỷ USD để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Con số này nhiều hơn 3.500 tỷ USD so với dự tính trước đó. Đồng thời, khoản chi lớn từ 6 – 9%GDP hằng năm được yêu cầu đầu tư cho chính sách khí hậu là quá khả năng so với ngân sách eo hẹp của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cuối năm 2022, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác JETP. Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam triển khai xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.

JETP đầu tiên được công bố tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của LHQ (COP26) ở Glasgow, theo đó Nam Phi được Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ và EU cam kết tài trợ 8,5 tỷ USD. Sau Nam Phi sẽ là JETP với các quốc gia khác, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ (dự kiến vào tháng 7/2023) và Senegal.

Tham dự chương trình trao đổi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan về JETP, Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), ông Rémy Rioux chia sẻ: “Tham gia và cam kết của Việt Nam với vai trò là một nền kinh tế mới nổi là vô vùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định với cam kết chung. Một quốc gia có dân số trẻ, có rất nhiều nhu cầu về cơ sở hạ tầng và công nghiệp hóa luôn đòi hỏi nhu cầu về năng lượng. Theo cam kết đó, vốn chi trong nước là quan trọng nhưng sẽ cần đến nguồn vốn nước ngoài và các chính sách ưu đãi”.

Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, công nghệ xanh cung cấp năng lượng sạch, giá thành cạnh tranh được xem là “chìa khóa” cho cánh cửa tiếp nhận vốn từ JETP của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Daniel C.Esty , cựu Ủy viên Bộ năng lượng và Bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng:  “Việt Nam ở vị thế tốt, có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió hay năng lượng mặt trời, sẽ dẫn đầu làn sóng chuyển đổi năng lượng sạch ở Châu Á” .

Theo đánh giá của UNDP, chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam có thể cần đến 60 tỷ USD từ nay cho đến năm 2050. JETP là bước đầu và tương lai sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ khác.

Gỡ vướng pháp lý, khơi thông dòng vốn

Theo báo cáo của JETP, một trong các mục tiêu hỗ trợ Việt Nam là đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo, đưa nguồn năng lượng này tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại lên ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Thực tế số liệu tháng 01/23 cho thấy, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đạt 2,98 tỷ KWh, tương đương 16,8% toàn hệ thống.

Có thể nói, tiềm năng phát triển nguồn năng lượng này tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), TS Đặng Thị Thúy Hạnh cho rằng, vì chuyển dịch năng lượng sẽ tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới, nên hầu như chưa có hành lang pháp lý cho những lĩnh vực mới này. Bởi vậy cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước, xây dựng lộ trình để ban hành cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách phù hợp.

Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các quy hoạch có liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo chưa có, đã và đang khiến cho các nhà đầu tư rất lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách và kịp thời ban hành chính sách mới để thúc đẩy, đảm bảo cho việc phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả, theo đúng định hướng, mục tiêu đề ra.

Ông Daniel C.Esty nhấn mạnh: “Để thu hút nhanh dòng vốn đầu tư vào các dự án năng lượng này, Việt Nam cần một môi trường kinh doanh thuận lợi, đòi hỏi chính sách điều tiết rõ ràng, cam kết cụ thể về nguồn lực hỗ trợ và cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm những khách hàng mua nguồn năng lượng sạch được tạo ra”.

“AFD đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam nghiên cứu các mô hình kinh tế vĩ mô, đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính hướng đến xây dựng một ngân sách xanh, tiến tới hoàn thiện thị trường mua bán tín chỉ carbon… Nhưng để hiện thực hóa các mô hình và một hệ sinh thái xanh, vẫn đòi hỏi một khung chính sách với những hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, với cam kết 500 triệu USD, AFD đang chờ Quy hoạch điện VIII, là khung chính sách cho chương trình chuyển đổi năng lượng sắp đến của Việt Nam,” ông Rémy Rioux chia sẻ thêm tại hội nghị về JETP vừa qua.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050), Bộ Công Thương đã đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong đó có các chính sách đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời với giá thành hợp lý, gắn với an toàn vận hành; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, phát triển điện đồng phát, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải rắn, từ các phụ phẩm nông nghiệp... và các nguồn năng lượng thân thiện môi trường.

Lượt xem: 9
Tác giả: Nam Phương
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật