Cơ hội đầu tư chứng khoán: Thận trọng hay tranh thủ?

VN-Index ghi nhận tăng trưởng khoảng 10% trong 7 tháng đầu năm với trợ lực từ sự hồi phục nền của kinh tế, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, diễn biến thị trường gần đây đặc biệt là giao dịch từ khối nhà đầu tư nước ngoài khiến xu hướng thị trường khó đoán định. 

Nhà đầu tư nên nhìn nhận cơ hội đầu tư ra sao về ngắn hạn cũng như triển vọng trung hạn về cuối năm? Tạp chí Tài chính ghi nhận ý kiến các chuyên gia.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank:

Thận trọng cho ngắn hạn, nhà đầu tư nên phòng thủ

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Maybank Investment Bank. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Maybank Investment Bank. Ảnh: NVCC

Xét ngắn hạn khoảng 1 tháng tới, tôi có sự thận trọng do vẫn còn dấu hỏi về trạng thái thị trường. Đầu tiên là xu hướng bán ròng của khối ngoại. Khối này đã bán ròng gần như liên tục gần đây, cường độ bán ròng mạnh ở tháng 5 và 6.

Tháng 7 họ bán ròng hơn 8.000 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cao điểm nhưng vẫn là con số đáng kể. Những ngày đầu tháng 8 khối này có vẻ giao dịch cân bằng hơn nhưng tôi vẫn bỏ ngõ xu hướng của họ. Nếu áp lực bán ròng vẫn còn sẽ là trở lực cho thị trường.

Về góc độ toàn cầu, diễn biến thị trường chứng khoán thế giới đặc biệt 1 - 2 phiên gần đây diễn biến tiêu cực cho thấy rõ nét nền kinh tế Mỹ đi vào suy thoái. Tín hiệu này có hai mặt, một là thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất quyết liệt hơn, đến nay gần như xác suất là 100%, thậm chí có thể mức hạ lãi suất là 0,5%.

Mặt khác, trước đây, chúng ta đề cập việc Fed hạ lãi suất là điểm cộng nhưng trong ngắn hạn câu chuyện suy thoái kinh tế Mỹ có phần bao trùm hơn, lấn lướt hơn. Theo đó, tôi giữ quan điểm thận trọng cho ngắn hạn.

Dù kỳ vọng dài hạn tốt nhưng ngắn hạn nhà đầu tư cần điều tiết tỷ trọng danh mục vừa phải. Trong ngắn hạn triển vọng chưa sáng, việc sử dụng đòn bẩy là không nên, nhà đầu tư nên phòng thủ.

Sau khi nhìn thấy những điểm nghẽn trong ngắn hạn được cải thiện là giao dịch khối ngoại, diễn biến toàn cầu không leo thang tiêu cực, tôi nghĩ là cơ sở quan trọng để có thể giải ngân mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Con số tăng trưởng vẫn có thể là 25 - 28%

Ông Nguyễn Thế Minh - Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Thế Minh - Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: NVCC

Về gam màu thị trường cho những tháng cuối năm, động lực tăng trưởng quý III vẫn tốt nhưng quý IV tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại, một phần do quý IV cùng kỳ đã phục hồi nên mức nền cao.

Quý IV là thời điểm kinh tế toàn cầu được dự báo có thể trầm lắng trở lại. Ba quý đầu năm có mức tăng hồi phục quy mô sản xuất, trong khi quý IV vẫn là dấu chấm hỏi.

Tăng trưởng tín dụng thường tốt hơn ở cuối năm. Về xuất nhập khẩu, hai quý cuối năm được dự báo xuất khẩu khả quan, đi cùng với cải thiện giá bán. Thời gian qua chúng ta đề cập số lượng đơn đặt hàng tăng nhưng giá bán chưa cải thiện.

Yếu tố ảnh hưởng tích cực nữa là chính sách tiền tệ của Fed khi tháng 9 tới có xác suất cao sẽ giảm lãi suất. Nhưng cũng cần thời gian để nhìn nhận tác động tới kinh tế, tới thị trường. Có thể từ cuối quý IV sẽ có tác động tích cực từ động thái của Fed.

Động lực nữa là sự hồi phục của thị trường bất động sản. Nhưng tôi cho rằng bất động sản vẫn còn khó khăn chưa thuận lợi hoàn toàn. Hiện doanh nghiệp bất động sản đang phải giải quyết câu chuyện tồn kho sản phẩm, dòng tiền, thanh khoản bất động sản. Thời gian phù hợp cho sự hồi phục dần của bất động sản có thể từ giữa năm 2025, qua đó đóng góp vào đà tăng trưởng chung.

Tóm lại, mức tăng trưởng các tháng cuối năm phụ thuộc vào nhóm xuất nhập khẩu, vận tải, ngân hàng, thực phẩm, hóa chất. Bất động sản vẫn là nhóm gặp khó.

Đầu năm, chúng tôi đưa ra con số tăng trưởng dự kiến 25 - 28% so với 2023, con số này vẫn có thể đạt được trong năm nay.

Lượt xem: 6
Tác giả: Huyền Châm
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan