Các quỹ đầu tư toàn cầu ưu tiên rót tiền vào lĩnh vực nào trong năm 2024?
Năng lượng sạch, hạ tầng, dịch vụ dược phẩm, công nghệ thông tin, tín dụng tư nhân nằm trong số những lĩnh vực mà các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu ưu tiên rót tiền trong năm 2024.
Trong năm 2024, CIO của các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu ưu tiên rót tiền vào những lĩnh vực như năng lượng sạch, hạ tầng, công nghệ thông tin. medirect.com |
2024 dự kiến sẽ là năm khó khăn đối với các giám đốc đầu tư (CIO) của các quỹ lớn trên toàn cầu khi lộ trình lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn không chắc chắn, kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng chậm lại, đồng thời, các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra ở khoảng 50 nước trên thế giới, có thể dẫn đến các bất ổn chính sách.
Trong cuộc trò chuyện với Bloomberg, CIO của các quỹ lớn từ Singapore cho đến Thụy Sĩ cho biết, trong một môi trường tiềm ẩn bất ổn như vậy, họ tìm kiếm những khoản đầu tư tăng trưởng trong dài hạn và đặt cược rằng nền kinh tế toàn cầu chậm lại rốt cục sẽ đẩy giá các tài sản đi xuống, tạo ra cơ hội cho người mua.
Jeffrey Jaensubhakij, CIO của quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC), đang quản lý 770 tỉ đô la Mỹ, nhận thấy 2024 là một năm có nhiều rủi ro gia tăng, từ lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài, ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp, cho đến các vấn đề địa chính trị. Theo ông, thậm chí trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ buộc các công ty phải thực hiện những điều chỉnh tốn kém. Ông nhận xét, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội để trở thành người cho vay đáng tin cậy cho những doanh nghiệp cần vốn.
“Lãi suất cao và tín dụng thắt chặt khiến hoạt động triển khai mới tín dụng tư nhân trở thành một lĩnh vực trọng tâm”, ông nói và cho biết thêm, việc phòng thủ lạm phát thông qua các tài sản thực vẫn quan trọng. Ông lưu ý, trong lĩnh vực bất động sản, các yếu tố cơ bản của phân khúc hậu cần, chỗ ở cho sinh viên và khách sạn vẫn tốt.
Với nguy cơ biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, quỹ tài sản có chủ quyền của Singapore cũng đang xem xét các khoản đầu tư hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Temasek, một quỹ đầu tư khác của nhà nước Singapore, nắm giữ 285 tỉ đô la, quan tâm đến thị trường chứng khoán Ấn Độ và Nhật Bản. Rohit Sipahimalani, CIO của Temasek, cho biết ông thích cổ phiếu ở Ấn Độ dù mức định giá hơi cao. Ông cũng có quan điểm tích cực đối với cổ phiếu ở Nhật Bản một phần là nhờ Sở giao dịch chứng khoán Tokyo yêu cầu các công ty niêm yết tiến hành những cải cách quan trọng bao gồm khía cạnh quản trị doanh nghiệp.
Đối với César Pérez Ruiz, CIO của Pictet Wealth Management, quỹ quản lý tài sản của Thụy Sĩ đang nắm giữ 288 tỉ đô la, nỗ lực xây dựng sự độc lập năng lượng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở nhiều nước sẽ là chủ đề chính cho các thương vụ đầu tư của quỹ này trong năm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa là Pictet Wealth Management hiển nhiên lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực như pin mặt trời và xe điện.
“Tôi muốn đầu tư vào những công ty được hưởng lợi từ những nỗ lực này, bao gồm những công ty sẽ thực hiện số hóa và đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông nói và lấy Schneider Electric (Pháp), nhà cung cấp dịch vụ quản lý năng lượng và tự động hóa kỹ thuật số, làm ví dụ.
Giữa lúc các công ty bất động sản, tiêu dùng và công nghệ của Trung Quốc liên tục gặp khó khăn, Ruiz vẫn thận trọng về triển vọng kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông nhận thấy cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng nhà ở của Tây Ban Nha hơn một thập niên trước nhưng tiếp tục ảnh hưởng đến ngày nay.
“Tôi ưu tiên đầu tư vào phần còn lại của thế giới”, ông nói và lưu ý châu Âu và Nhật Bản là những thị trường hấp dẫn để đầu tư, đặc biệt là các công ty giải trí, tiêu dùng, robot và dịch vụ kỹ thuật số phục vụ thị trường nội địa của Nhật Bản.
Không giống như các đồng nghiệp, Stephan Schäli, CIO của Partners Group, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Thụy Sĩ, nhìn thấy một số điểm sáng ở Trung Quốc, đặc biệt là các công ty dược phẩm có mức định giá tăng bùng nổ vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Ông cho biết, các công ty này đang tìm kiếm nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng và giá cổ phiếu của họ đang trở về mức hợp lý hơn. Ông nhận định hoạt động gia công dịch vụ dược phẩm từ phát triển, sản xuất cho đến đóng gói thuốc men đều tạo ra cơ hội đầu tư ở Trung Quốc lẫn các thị trường phương Tây. “Chúng tôi là nhà đầu tư toàn cầu, vì vậy, chúng tôi không loại bỏ thị trường Trung Quốc”, ông nói.
Ông đánh giá lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cũng là chủ đề đầu tư hấp dẫn khi các công ty trong lĩnh vực này triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) đồng thời hỗ trợ các công ty khác làm điều đó. Các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng là mục tiêu đầu tư của Partners Group, công ty đang quản lý 147 tỉ đô la Mỹ.
“Chúng tôi đã đầu tư vào công ty dẫn đầu thế giới về lĩnh vực làm sạch đường ống. Họ đang giúp làm sạch các đường ống để chúng không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường”, Schäli giải thích.
Về phần mình, Richard Pan, CIO của China Asset Management Co., công ty quản lý 263 tỉ đô la, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng thị trường Trung Quốc có thể có nhiều bất ngờ tích cực hơn là tiêu cực vào năm 2024, ngay cả khi triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm và khủng hoảng bất động sản đang đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư.
Ông nhận định các chất xúc tác cho sự thay đổi theo hướng tích cực ở Trung Quốc bao gồm khả năng giảm lãi suất lớn hơn dự kiến ở Trung Quốc nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất. Thậm chí, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản đang suy yếu bằng các biện pháp như dỡ bỏ chính sách hạn chế mua nhà ở các thành phố lớn.
“Điều chúng tôi đang thiếu chỉ là niềm tin”, Pan nói và trích dẫn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhanh hơn so với Mỹ. Theo ông, một khi đà trượt dốc trong lĩnh vực bất động sản được ngăn chặn, niềm tin rất có thể sẽ quay trở lại.
Ông cũng dự đoán cổ phiếu của lĩnh vực y tế và thương mại điện tử của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi về giá trị trong năm nay.