Bức tranh đầu tư công 2024 của TP. HCM
UBND TP. HCM đặt mục tiêu quý I/2024 giải ngân đầu tư công đạt 10 - 12% tổng số vốn đầu tư công gần 80.000 tỷ đồng năm 2024, tức khoảng 8.000 tỷ đồng.
Bố trí vốn để giải phòng mặt bằng
Về đầu tư công, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện TP. HCM đã phân bổ 100% vốn cho các chủ đầu tư; các sở, ban ngành, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm để vận hành tốt. TP. HCM đã xác định mục tiêu giải ngân đầu tư công theo 4 giai đoạn: quý I giải ngân 10 - 12% kế hoạch; lũy kế đế quý II đạt 30% kế hoạch; lũy kế đến quý III đạt 60%; lũy kế đến quý IV đạt 90% kế hoạch và thời gian còn lại của tháng 1/2025 sẽ phấn đấu đạt 95% kế hoạch.
TP. HCM xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, TP. HCM tập trung vào các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và phấn đấu hoàn tất toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trong năm 2024.
Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM phối hợp với các đơn vị đề xuất linh hoạt trong bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn; tập trung bố trí vốn cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm có tác động lan tỏa, tuyệt đối không dàn trải để nâng cao hiệu quả đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM có trách nhiệm phối hợp với địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hoàn tất bàn giao mặt bằng để thi công... Các sở ban ngành rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; tránh xảy ra tình trạng trình, thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án.
Việc bố trí vốn giải phóng mặt bằng sẽ giúp các dự án khởi công đúng tiến độ, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Do vậy, với các dự án đã được bố trí vốn thực hiện trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đề nghị các địa phương phải hoàn thành giải phòng mặt bằng, bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 6.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, công tác giải ngân vốn bồi thường toàn TP. HCM trong năm 2023 là 27.957 tỷ đồng thuộc 224 dự án. Toàn TP. HCM đã giải ngân ra khỏi Kho bạc Nhà nước là 27.187 tỷ đồng và số thực chi đến người dân 18.147 tỷ đồng.
Theo thống kê quý I của 3 năm qua thì tỷ lệ giải ngân của TP. HCM thấp dần từng năm, riêng năm 2023, trong quý I thành phố chỉ giải ngân 1.600 tỷ đồng/68.000 tỷ đồng.
Ưu tiên vốn các dự án nghìn tỷ
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm TP. HCM, đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất, xác định 10 dự án trọng điểm đầu tiên để theo dõi và chỉ đạo. Đó là dự án vành đai 2 TP. HCM (đoạn 1 và đoạn 2), dự án vành đai 3 TP. HCM, dự án vành đai 4 trên địa bàn TP. HCM, dự án cầu đường Nguyễn Khoái, dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, dự án Metro số 1, dự án Rạch Xuyên Tâm, dự án Bắc Kênh Đôi...
Bên cạnh đó, TP. HCM có 5 đề án quan trọng trong quý I/2024. Trong đó có trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM, hệ thống đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quy hoạch TP. HCM và ba khu công nghiệp.
TP. HCM còn có 59 công trình giao thông được đề xuất ghi vốn để hoàn thành giai đoạn 2024 - 2030. Trong số này, xây cầu đường Nguyễn Khoái, khởi công vành đai 2 phía đông, đưa vào sử dụng hai công trình đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao Nguyễn Văn Linh là những việc được lãnh đạo TP. HCM xác định phải ưu tiên.
Mặt khác, TP. HCM cũng xác định tập trung thúc đẩy tiến độ xây vành đai 3, hoàn thành metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hàng chục dự án mở rộng các tuyến đường huyết mạch khác.
Dự án được kỳ vọng nhiều nhất là cầu - đường Nguyễn Khoái nối khu nam với trung tâm thành phố và chia tải cho cầu Kênh Tẻ (theo trục đường Nguyễn Khoái - D1. Cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027. Khi hoàn thành, công trình sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu nam với khu trung tâm TP. HCM.
Một dự án cấp bách khác cũng dự kiến được khởi công cuối năm nay là vành đai 2 (hai đoạn dài 6km, tổng vốn 14.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) được đốc thúc, ưu tiên triển khai. Khi hoàn thành, tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn sẽ kết nối giao thông trực tiếp cho nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và giảm tải áp lực cho đường Cộng Hòa, Trường Chinh. Tuyến đường mới này được xem là cửa ngõ thứ hai của sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai được đầu tư với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.
Tại cửa ngõ phía Nam, dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, cũng đặt mục tiêu hoàn thành năm 2024. Công trình này khởi công cách đây hơn 3 năm, trong đó giai đoạn một có tổng vốn 830 tỷ đồng. Sau thời gian dài gặp vướng mắc liên quan đến di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước...), chủ đầu tư cho biết dự án đang được tập trung thi công. Trong đó, giữa năm tới sẽ thông xe trước một nhánh hầm, 6 tháng sau sẽ hoàn thành nhánh còn lại giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía nam.
Dự án trọng điểm khác dự kiến được khởi công trong năm nay là nâng cấp, mở rộng đường Chu Văn An đoạn từ ngã 5 Bình Hoà tới đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh. Với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn đường dài 600 m sẽ được mở rộng từ 5-6 m lên 23 m. Công trình dự kiến khởi công cuối quý IV/2024, hoàn thành sau một năm.
TP. HCM cũng sẽ khởi công dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm - tuyến rạch ở nội đô với tổng vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc lĩnh vực môi trường, dân sinh, dài gần 9 km chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
Như vậy, ngoài khởi công các dự án mới, năm 2024 thành phố dự kiến hoàn thành 40 công trình, gói thầu lớn thuộc lĩnh vực giao thông. Trong số này có loạt cây cầu quan trọng như Nam Lý (TP. Thủ Đức), Rạch Đỉa, Phước Long (nối quận 7 qua Nhà Bè), cầu Bà Hom (quận Bình Tân). Nhiều dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa, Dương Quảng Hàm... cũng sẽ đưa vào khai thác trong năm giúp giảm ùn tắc các cửa ngõ ở thành phố.