Thái Lan xem xét gia nhập TPP: Lợi thế của Việt Nam sẽ giảm dần?

Việt Nam đi trước nhiều nước ASEAN khi trở thành thành viên của TPP nhưng trong 5 - 7 năm tới, lợi thế của Việt Nam sẽ giảm dần khi các nước khác như Thái Lan, Phillipines tham gia hiệp định này.


TPP gồm 12 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Thái Lan xem xét gia nhập TPP

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan đã ủy thác trường Panyapiwat và Học viện Quốc tế về Thương mại và Phát triển thực hiện một nghiên cứu nhằm xem xét lợi ích và khó khăn mà Chính phủ Thái Lan phải đối mặt khi gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vụ Đàm phán, Bộ Thương mại Thái Lan vừa công bố nghiên cứu trên nhằm lấy ý kiến cộng đồng và các ngành/lĩnh vực liên quan trước khi trình Chính phủ tham khảo trước khi đưa ra quyết định gia nhập TPP vào tháng 2/2016. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm của Nhật Bản bằng cách thảo luận với Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) của Nhật Bản.

Theo kết quả nghiên cứu này, nhìn chung, TPP được đánh giá sẽ mang lại nhiều điểm thuận lợi giúp Thái Lan đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bởi nếu quyết định gia nhập TPP của Thái Lan được thông qua, nền kinh tế của nước này có thể tăng trưởng thêm 0,77%. Nếu Indonesia và Phillipines cùng chấp thuận tham gia Hiệp định TPP, GDP của Thái Lan có thể tăng thêm 1,06%. Các ngành sẽ được hưởng lợi bao gồm ô-tô, điện tử, máy tính, may mặc và chất liệu vải.

Bên cạnh đó, Hiệp định TPP cũng sẽ là đòn bẩy phát triển ngành dịch vụ và thương mại cũng như nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và bảo vệ môi trường do các quốc gia thành viên được khuyến khích phát triển các lĩnh vực nhằm đạt được tiêu chuẩn cao hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Thái Lan sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành thương mại và dịch vụ cũng như các biện pháp quản lý thắt chặt đối với quyền sở hữu trí tuệ. Những điều này không có lợi vì sẽ khiến việc tiếp cận của người dân với các dịch vụ sức khỏe cộng đồng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là chi phí tăng cao đối với các sản phẩm thuốc và dịch vụ y tế. Chính phủ Thái Lan sẽ phải thay đổi các quy định và điều lệ phù hợp với Hiệp định TPP và chuẩn bị các biện pháp quản lý thắt chặt đối với bằng sáng chế.

Lợi thế của Việt Nam sẽ giảm dần?

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại một báo cáo công bố vào tháng 12/2015, Việt Nam hiện là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được. Tổ chức này tính toán, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, 12% lượng tích luỹ tài sản cho Việt Nam trong vòng 20 năm tới.

TPP cũng sẽ góp phần làm tăng thêm lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu không nắm bắt được cơ hội thì lợi thế trên sẽ giảm dần trong 5 - 7 năm tới, đặc biệt là khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Phillipines gia nhập TPP.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: "Trong cuộc chơi với thị trường lớn nhất thế giới mà các FTA đã đang mang lại, Việt Nam đi trước nhiều nước ASEAN khi trở thành thành viên của TPP. Nhưng 5-7 năm tới có thể có một số nước tham gia như Thái Lan, Philippines… Việt Nam sẽ không có lợi thế nhiều”.

Vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề quan trọng với Việt Nam là phải đẩy mạnh cải cách. Tiếp đó là phải tạo dựng lòng tin thị trường với việc nhất quán, kiên định trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp lý.

Phương Dung - Theo dantri.com.vn

Lượt xem: 347
Tác giả: Phương Dung - Theo dantri.com.vn
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật