Nhọc nhằn tiếp cận thị trường

Hiện cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dệt-may. Năm 2014, tổng kim ngạch dệt-may xuất khẩu đạt 24 tỉ USD. Tuy nhiên, rất ít thương hiệu thời trang ghi được dấu ấn trên “sân nhà”, chứ chưa nói tới thị trường quốc tế. Đã đến lúc, cần định vị nền công nghiệp thời trang VN trên “bản đồ” thời trang thế giới.

Vẫn chủ yếu gia công

Đó cũng là lý do để Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) tổ chức hội thảo quốc tế “Định hướng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp thời trang” vừa diễn ra tại Hà Nội

.

Hiện thị trường nội địa khá đa dạng, tạo điều kiện cho sự phát triển của môi trường thời trang sáng tạo. Còn các nhà thiết kế thời trang đang hoạt động độc lập với quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, dù kim ngạch xuất khẩu khá cao, với thị trường đang dần rộng mở, thu hút nhiều lao động, nhưng các đơn vị dệt-may của VN chủ yếu vẫn thực hiện gia công giá rẻ, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài và nguyên - phụ liệu thường nhập ngoại. Điều đó cho thấy sự thiếu liên kết để tạo sức vươn cho công nghiệp thời trang nội địa hiện đầy tiềm năng.

Tại VN, May 10 hiện nằm trong số những DN dệt-may lớn đã sớm đầu tư cho lĩnh vực thiết kế thời trang - từ đào tạo nguồn nhân lực, đồng bộ các thiết bị, công nghệ chuẩn quốc tế đến việc tổ chức sản xuất, trình diễn và hệ thống phân phối sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của May 10 đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - TGĐ TCty May 10: “Ngoài việc tuyển dụng, Trường CĐ nghề Long Biên thuộc May 10 đã lập Khoa Thiết kế thời trang, chuyên đào tạo các nhà thiết kế cho May 10 và các DN khác. May 10 cũng đã hợp tác chặt chẽ với Viện Mẫu thời trang Fadin trong tạo nguồn nhân lực. Để chủ động hơn trong khâu thiết kế, May 10 đã triển khai dự án ODM nhằm tiến tới sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm thời trang mang thương hiệu May 10…”.

Cũng về lĩnh vực đào tạo, bà Nguyễn Sao Kim - Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Fadin - cho biết: “Có bột mới gột nên hồ”, nên việc tạo nguồn lực cần phải hết sức chú trọng. Để đổi mới công tác đào tạo, Fadin đã tham khảo kinh nghiệm ở nhiều thị trường thời trang quốc tế và đang duy trì việc phối hợp với các DN, trường (có khoa thiết kế thời trang) để đào tạo theo chuyên đề. Trước khi tốt nghiệp, học sinh được bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh. Nghề thiết kế thời trang khó và không nhàn nhã, nhưng không ít nhà thiết kế trẻ hiện làm việc chưa thực chuyên nghiệp: Có khát vọng lớn, ước mơ nhiều, nhưng chưa nghĩ sâu, xa…”.

Thiết kế phải tạo sự khác biệt

Dưới góc nhìn của những chuyên gia quốc tế, ông Ricardo Biando Levrin - chủ sở hữu thương hiệu Bianco Lervin - chia sẻ: “ Để phát triển ngành dệt-may, cần phải có mục tiêu cụ thể về giới, độ tuổi của NTD. Thiết kế phải tạo được sự khác biệt, phải có chiến lược marketing, tiếp cận thị trường… Điều này rất cần thiết, bởi các nhà thiết kế thời trang VN đang phải đối mặt với nhu cầu ngày càng cao của thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt của những thương hiệu quốc tế sắp bước vào thị trường VN…”. Cô May Cortazzi - Trưởng khoa Thiết kế thời trang của Học viện Thời trang London - nêu thêm: “Đầu tiên, phải bàn thảo đặc thù và nhu cầu thị trường, tiếp đó mới hình thành ý tưởng sáng tạo. Phải thiết kế theo tiêu chuẩn cao, có logo ấn tượng, tạo thương hiệu. Hiện thị trường ảo trên các mạng xã hội rất lớn, chính là môi trường quảng bá sản phẩm rất thích hợp, nên tận dụng nó…”.

Thời gian qua, dù rất gắng gỏi trong việc tiếp cận thị trường, nhưng thời trang Việt chưa ghi dấu ấn mạnh trên “sân nhà”. Vài chương trình diễn thời trang diễn ra trong năm do một số DN tiến hành là chưa đủ. NTD nội địa cũng chưa hẳn nhận diện được hết các thương hiệu thời trang Việt. Theo bà Nguyễn Sao Kim: “Ở nước ta cần có một “sân chơi” chuyên nghiệp, như các Tuần lễ thời trang mà nhiều quốc gia thường làm, nhằm tạo cơ hội cho các nhà thiết kế thời trang quảng bá sản phẩm của mình”. Các nhà thiết kế thời trang như Kelly Bùi, Hà Linh Thư và một số người có liên quan tới lĩnh vực thời trang có mặt tại hội thảo cũng đồng quan điểm như vậy.

 

Nguồn Báo Lao Động

Lượt xem: 339
Tác giả: Nguồn Báo Lao Động
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật