Đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế

Cần tập trung xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN hoạt động hiệu quả hơn

Cùng với quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tuy nhiên, vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản. Hiện nay, số lượng DNNN không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng chiếm tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường, cùng với những đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh...

Bên cạnh những đóng góp trong nền kinh tế, sự phát triển khu vực DNNN đã và đang đặt ra không ít vấn đề như hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Cụ thể, hiện nay, DNNN đóng góp gần 40% GDP, nhưng khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho khu vực này, rất thiếu hiệu quả.

doi moi doanh nghiep nha nuoc con han che
Cần tập trung xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN hoạt động hiệu quả hơn

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong phát triển kinh tế” do tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam diễn ra mới đây, ông Vũ Quốc Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại cho rằng: "Tại khu vực DNNN, việc quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai, tính minh bạch còn hạn chế; sử dụng vốn trong DNNN còn yếu kém; việc ứng dụng công nghệ tiên tiến còn chậm và yếu. Thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ".

Còn theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiệu quả hoạt động của DNNN hiện còn yếu, năng lực cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn nhiều hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ việc DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Luật số 69/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định chi tiết về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

Tuy nhiên, trên thực tế, các quy trình, thủ tục của cơ quan đại diện chủ sở hữu thường có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời để đón cơ hội đầu tư. Đồng thời, một số cơ chế, chính sách (như các văn bản quy định về tiền lương, quỹ khoa học công nghệ của DNNN…) chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp…

Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và vai trò của DNNN. Ngoài ra, DNNN được giao một khối lượng tài sản rất lớn để kinh doanh nhưng hệ thống quản lý, giám sát của một số DNNN không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, dẫn tới không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn nhà nước.

TS. Lê Xuân Sang- Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra một số bất cập về quản trị DNNN gây hiệu quả hoạt động thấp như quyền chủ động của lãnh đạo, quản lý DNNN trong hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường còn bị hạn chế. Lãnh đạo DNNN e ngại khi ra quyết định, sợ bị quy kết, làm sai trong khung quy định cứng nhắc. Sai lầm không chỉ bị mất vốn, thiệt hại về kinh tế còn là sinh mạng chính trị.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, TS. Sang cho rằng, cần phải đẩy mạnh bắt nhịp nhanh hơn với CMCN 4.0 để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý. Bởi công nghệ sẽ góp phần hạn chế tốt vấn đề tham nhũng. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc những quy định trong các FTA, nhất là FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý DNNN.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) kiến nghị, cần mở rộng quyền tự chủ cho DNNN, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong việc xây dựng Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong công tác dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với doanh nghiệp. Đồng thời, cần ban hành các chính sách hướng dẫn cụ thể để DNNN có thể tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào đổi mới sáng tạo; xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể để phát triển các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt về công nghệ bắt nhịp với cuộc CMCN 4.0 và phát triển kinh tế số.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, cần tập trung xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Theo đó, xem xét sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các DNNN. Mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển hạ tầng nền tảng có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách để DNNN tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới.

Hải Yến

 

Lượt xem: 513
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật