Xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán vẫn kém bền

Dòng tiền ngày càng yếu không đủ sức đưa VN-Index tiếp tục hồi phục, chịu thua trước ngưỡng cản 1.100 điểm. Cùng với đó, mọi thông tin ở thời điểm hiện tại có vẻ như không ủng hộ, diễn ra theo xu hướng khó khăn, đặc biệt là khi sức ép từ lợi suất trái phiếu Chính phủ đang ngày càng gia tăng đối với thị trường cổ phiếu.

Phiên đầu tuần 23/10, thanh khoản thị trường khớp lệnh ở mức rất thấp, chỉ 10.110 tỷ đồng trên sàn HoSE (so với trung bình 1 tháng gần đây khoảng 15.000 tỷ đồng). Cũng chính vì dòng tiền yếu khiến nhóm VN30 không thể trụ vững, đẩy VN-Index rớt gần 15 điểm, mất mốc 1.100 điểm.

Mốc 1.100 “khó nhằn”

Như vậy, sau phiên 20/10 phục hồi tích cực với hàng trăm mã cổ phiếu tăng giá mạnh, thậm chí tăng kịch trần sau 4 phiên giảm sốc, VN-Index bứt phá tới hơn 20 điểm, thị trường lại vội vàng quay đầu không như kỳ vọng.

-9801-1698053977.jpg

VN-Index vội vàng quay đầu để mất mốc 1.100 điểm sau phiên hồi phục hơn 20 điểm trước đó.

Với các góc nhìn từ kỹ thuật đến định lượng, giới phân tích nhận xét, sự dịch chuyển ngắn hạn của thị trường đang xấu đi nhanh hơn dự kiến. Việc tạo đáy ở ngưỡng hỗ trợ 1.078 điểm, sau đó hồi phục với hơn 20 điểm có được trong phiên cuối tuần đạt 1.108,03 điểm, rồi lại nhanh chóng quay đầu giảm điểm trong phiên đầu tuần thể hiện VN-Index đang có những nỗ lực giành giật và củng cố vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.100 điểm.

Theo đó, thị trường có cơ hội tăng trở lại sẽ phụ thuộc vào khả năng chỉ số sớm bứt phá bên trên ngưỡng 1.100 điểm trong các phiên tới. Dựa trên đánh giá thực trạng thị trường hiện tại, vẫn còn nhiều yếu tố chưa được xác nhận gồm lực cầu chủ động, sự đồng thuận của nhóm vốn hóa lớn, cũng như thanh khoản toàn thị trường. Các yếu tố này cần có đủ sự hội tụ về thời gian và độ mạnh để làm cơ sở cho các vị thế mua mới sớm quay lại.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định nhiều cổ phiếu đã vào vùng quá bán nên ít có khả năng thị trường giảm sâu về dưới 1.100 điểm, nhưng vẫn cần quan sát thêm để xác lập rõ xu hướng. Tuy nhiên, điều kiện để thị trường phục hồi chắc chắn hơn là thanh khoản phải tăng cao hơn so với những tuần qua, phản ánh dòng tiền trở lại mạnh mẽ hơn.

“Nếu dòng tiền của nhà đầu tư không nhập cuộc mạnh mẽ trong 2 - 3 phiên đầu tuần này thì nhịp hồi phục sẽ khó kéo dài. Nếu VN-Index thủng ngưỡng 1.100 điểm, xác suất giảm về vùng 1.060 điểm cũng không phải hiếm”, ông Minh nói.

Thực tế, thanh khoản ảm đạm đã kéo dài suốt trong thời gian gần đây. Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên khớp lệnh chạm ngưỡng tỷ đô, giá trị khớp lệnh trên HoSE đã liên tục tụt dốc xuống dưới mức 11.000 tỷ đồng từ đầu tháng 10 đến nay. Tính chung, thanh khoản 2 tuần đầu tháng 10 giảm 37,3% so với tháng 9 và sụt 31,6% so với mức bình quân ở quý III.

Trong phiên cuối tuần qua, dù VN-Index bứt phá tới hơn 20 điểm nhưng giao dịch trên thị trường vẫn rất thấp, chỉ hơn 14.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang lo ngại rủi ro gia tăng đáng kể mà chưa vào “nhập cuộc”, bởi lượng lớn tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán vẫn đang nằm sẵn trong tài khoản và chưa thực hiện giải ngân.

Theo số liệu thống kê, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán (CTCK) vào thời điểm cuối quý III/2023 đạt khoảng 77.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. So với cuối quý II trước đó, tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK đã tăng khoảng 10.000 tỷ và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. 

Sức ép từ lợi suất trái phiếu Chính phủ

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, mọi thông tin đang diễn ra theo xu hướng khó khăn. Ở góc nhìn vĩ mô toàn cầu, những tháng cuối năm không mấy khả quan cho triển vọng hồi phục. Mới đây, bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell cho hay Fed sẽ phải duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian vì lạm phát vẫn đang lan rộng do giá cả tiêu dùng chưa hạ nhiệt, cùng với đó là một thị trường việc làm mất cân bằng. Có vẻ như đây đang là tình trạng chung của các hệ thống tài chính trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, giá dầu ảnh hưởng trực tiếp nhất đến CPI của các thị trường mới nổi, điển hình là các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á, nơi đang phải chịu một vấn đề nan giải từ chính sách tiền tệ. Khi lãi suất đang được giữ ở mức rất thấp để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục còn lạm phát đang rình rập và có dấu hiệu quay trở lại, khiến lợi suất thị trường chịu áp lực tăng.

Về mặt xu hướng, trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ vừa đạt tới đỉnh lợi suất khi chạm mốc 5% trong tuần qua, mức cao nhất trong vòng hơn 15 năm. Dù rằng cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận cao hơn trái phiếu, nhưng có rủi ro cao hơn, do đó khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang đầu tư vào trái phiếu, nơi họ có thể nhận được mức lợi nhuận cao hơn với rủi ro thấp hơn. Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng 46 điểm cơ bản và chỉ số S&P 500 trong tháng đó đã “bốc hơi” gần 5%.

Tại thị trường Việt Nam, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm sau giai đoạn ổn định đã có dấu hiệu tăng tốc trong khoảng 1 tháng trở lại đây, đặc biệt cuối tuần qua đã bất ngờ lên mức 3,35%. Đáng chú ý, lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao cũng trùng với giai đoạn VN-Index đi xuống.

Trong khi đó, mùa báo cáo quý III đang mang nhiều sắc thái tiêu cực hơn làm chủ đạo. Dự báo, sau mùa báo cáo, chỉ số EPS (tỷ suất thu nhập trên cổ phần) của VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không tốt, đồng nghĩa với việc gặp rủi ro nếu đầu tư vào.

Và khi EPS giảm, lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm tăng mạnh sẽ khiến VN-Index dễ gặp áp lực giảm điểm do áp lực tương quan nghịch biến.

Theo chuyên viên phân tích của Mirae Asset, tính từ 1/1 – 20/10/2023, độ tương quan giữa P/E của VN-Index là lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm có độ tương quan nghịch biến lên đến 88%.

“Đây là một mức độ tương quan rất cao cho thấy ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu Chính phủ có tác động không nhỏ lên VN-Index, bởi kênh trái phiếu chính phủ và cổ phiếu là hai kênh đầu tư cạnh tranh nhau”, vị chuyên viên này nói với VnBusiness.

Hải Giang

Lượt xem: 8
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan