USD lên cao nhất 20 năm, tỷ giá USD/VND chịu sức ép lớn
Đồng USD tuần qua tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, tăng cao so với các đồng tiền khác. Chỉ số DXY đã neo lên mức cao nhất trong 20 năm qua.
Trong tuần vừa qua, đồng bạc xanh đã có những ngày thăng hoa. Trong phiên đầu tuần (thứ Hai, 29/8), chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng lên mức gần cao nhất 2 thập kỷ, là 109,48. Đến ngày 30/8 (giờ Việt Nam), chỉ số đô la Mỹ (DXY) giảm nhẹ, về mức 108,91 điểm. Tới ngày 31/8 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY ở mức 108,56 điểm, tiếp tục giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, trong khi Euro tăng trở lại trên mức ngang giá so với USD.
Vào ngày 1/9, đồng bạc xanh bật tăng cao. Kết thúc ngày 1/9, chỉ số DXY ở mức 109,81, cao nhất kể từ tháng 6 năm 2002. Đồng USD tăng mạnh so với đồng Yen. Tỷ giá của đồng Yen so với đồng USD đã giảm xuống 140,08 Yen đổi 1 USD, đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 24 năm qua của đồng Yen kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất 20 năm vào phiên giao dịch 1/9 và lập đỉnh 24 năm so với đồng yên Nhật, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phục hồi. Đây là điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh hơn nữa lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Tuần qua, Chủ tịch Fed J.Powell trong Hội nghị chuyên đề Jackson Hole khẳng định mục tiêu hiện tại của Fed là kiểm soát lạm phát và sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất cho đến khi lạm phát thực sự hạ nhiệt.
Sang ngày 2/9, chỉ số DXY ở mức 109,63, giảm nhẹ so với phiên ngày 1/9. Tuy giảm nhẹ nhưng giá USD ngày 2/9 tăng đạt đỉnh 2,5 năm so với đồng bảng Anh; giá USD cũng ở mức cao nhất trong 6 tuần đối với đô la Úc và New Zealand, trong khi đồng Euro giảm còn 0,9958 USD và áp sát mức đáy thấp nhất trong 20 năm.
Đến sáng nay (3/9), đồng USD tiếp tục giảm nhẹ. Sáng nay, chỉ số DXY ở mức 109,61 điểm, giảm 0,07 % so với hôm qua. Đồng USD giảm sau khi dữ liệu mới nhất liên quan đến lạm phát tại Mỹ cho thấy động thái tăng lãi suất của Fed đang phát huy tác dụng.
Trong cả tuần qua, đồng USD đã có tuần thứ ba tăng liên tiếp, neo sát mức đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ đối với đồng Euro và Yên Nhật.
Theo Forbes, đồng USD tăng giá mạnh giúp giảm tình trạng lạm phát tại Mỹ vì hàng hoá nhập khẩu vào nước này sẽ rẻ hơn. Song việc đồng bạc xanh tăng giá lại gây không ít áp lực lên các đồng tiền khác. Tiền của nhiều nước đã mất giá mạnh so với đồng USD.
Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục - 80,075 rupee đổi được 1 USD. Còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng hạ xuống mức thấp nhất trong hai năm, đạt 6,9321 NDT đổi 1 USD. Nhiều đồng tiền khác như bảng Anh, Euro, Yên Nhật cũng mất giá mạnh chưa từng thấy.
Theo các chuyên gia, trước thách thức từ đồng USD tăng mạnh, nhiều quốc gia sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giữ giá đồng nội tệ.
So với nhiều đồng tiền trong khu vực, đồng VND có diễn biến tích cực hơn. Trong tuần vừa qua, đồng VND chỉ mất khoảng 0,07% so với tuần trước. Việc này là nhờ Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ điều tiết nhằm ổn định tỷ giá.
Nhưng áp lực lên đồng VND hiện vẫn khá lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn được như kỳ vọng, còn đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên.
Khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) nhận định, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần.
Đầu phiên giao dịch hôm nay (ngày 3/9), tỷ giá trung tâm USD/VND tại Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.219 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD so với phiên giao dịch ngày 31/8.
Tỷ giá tham khảo USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn được giữ ở mức 22.550 đồng (mua vào) - 23.400 đồng (bán ra).
Còn tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại hôm nay niêm yết chủ yếu ở mức 23.320 đồng/USD (mua) và 23.600 đồng/USD (bán).