Tìm 'đối sách' kiềm chế giá xăng tăng phi mã

Trong bối cảnh giá xăng dầu biến động mạnh, giới chuyên môn cho rằng, để ứng phó với giá xăng dầu tăng phi mã, “đối sách” hiệu quả nhất hiện nay là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, nhưng đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt". Thậm chí từ cuối tháng 4 đến nay, giá xăng dầu có 3 lần liên tiếp tăng khiến giá xăng hiện nay đang ở mức cao kỷ lục, vượt 30.000 đồng/lít.

Thuế bảo vệ môi trường giảm, giá xăng vẫn tăng 41%

Tại báo cáo thẩm tra trình bày trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mặt hàng xăng dầu quý I/2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

ban-le-xang-dau-jpeg-6395-1653351423.jpg

Giá xăng biến động mạnh ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022.

Bên cạnh đó, cơ cấu giá xăng dầu còn chưa hợp lý (các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…) cần sớm điều chỉnh hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan.

Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột Nga - Ukraine.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá xăng dầu tăng mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cụ thể, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm xuống còn 2.000 đồng/lít, giá xăng tại Việt Nam còn chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%.

Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 hiện là 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít.

Tuy vậy, theo tính toán của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%. Trong khi đó, số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 85,4% dự toán, tăng 93,4%. Qua đó có thể thấy thu ngân sách đang đạt kết quả tốt.

Kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên môn cho rằng, để ứng phó với giá xăng dầu, “đối sách” hiệu quả nhất là giảm thuế.

Ủy ban Kinh tế cho biết có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian vừa qua; cho rằng công tác điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát. "Bài học chúng ta nhìn thấy trong giai đoạn năm 2008, lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng. Cùng với đó, giá lương thực thực phẩm tăng làm lạm phát tăng rất nhanh. Có thời điểm, lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%. Lúc đó, tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa và đời sống của người dân vô cùng khó khăn", ông Ngân nhắc lại.

Lạm phát của Việt Nam hiện nay vẫn đang giữ ở mức mục tiêu, những trong bối cảnh giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng cao, ông Ngân cho rằng nếu không sử dụng các công cụ điều tiết giá xăng tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát.

"Để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Giá xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", đại biểu Ngân cho hay.

Đồng tình với kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng đặt vấn đề: tại sao lại có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất?

Đó là chưa kể mức thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ xăng cũng tăng mạnh. Nếu như giá xăng trước đây là 15.000 đồng/lít, số thuế thu được là 1.500 đồng/lít thì số thuế tiêu thụ đặc biệt nay đã tăng cao gần gấp đôi khi xăng vượt mức 30.000 đồng/lít. Vì vậy TS Bùi Trinh nhấn mạnh, cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế.

Trao đổi với VnBusiness, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe, cần tiêu dùng tiết kiệm hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền điều tiết thu nhập. Đối với xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm. Hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.

Với đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: "thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, thẩm quyền quyết định của Quốc hội".

Thanh Hoa

Lượt xem: 88
Tác giả: Thuế bảo vệ môi trường giảm, giá xăng vẫn tăng 41%
Tin liên quan