Thị trường đang đứng trước nhiều cơ hội hơn là rủi ro

Liên tục cho thấy sức mạnh, VN-Index đã tăng vượt đỉnh cũ nhờ sức cầu gia tăng, kéo theo đó, nhiều cổ phiếu đang neo ở vùng cao so với đáy và mặt bằng cổ phiếu đã không còn rẻ nữa. Chuyên gia cho rằng, rủi ro áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện, dù vậy tổng quan thị trường vẫn mang nhiều yếu tố tích cực hơn.

Phiên 8/8, VN-Index tiếp tục lên vùng giá mới 1.242,23 điểm. Tuy nhiên, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,19 tỷ cổ phiếu, giá trị 23.207,5 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên trước đó.

Dự báo rủi ro điều chỉnh

Giới phân tích đánh giá, hàng loạt giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế cùng với lãi suất giảm mạnh đã khiến dòng tiền chuyển dịch mạnh vào thị trường chứng khoán (TTCK), từ đó cải thiện cả về điểm số lẫn thanh khoản.

“Lãi suất giảm là động lực chính cho TTCK. Nhờ đó, giá trị giao dịch của thị trường liên tục được đẩy lên cao và định giá của thị trường được cải thiện”, theo SGI Capital.

-8619-1691489000.jpg

Chuyên gia cho rằng rủi ro áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện, dù vậy tổng quan thị trường vẫn mang nhiều yếu tố tích cực hơn.

Có thể thấy, từ vùng đáy dưới 900 điểm năm ngoái, chỉ số VN-Index đã có mức hồi phục đáng kể. Rất dễ dàng để chỉ tên các cổ phiếu ngành chứng khoán, thép... có thị giá tăng gấp đôi, thậm chí nhiều hơn tính từ vùng đáy. Nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng cũng không quá khó để tìm các mã phục hồi trên 50%. Đối với nhóm ngành còn nhiều khó khăn như bất động sản cũng đã xuất hiện những cơ hội ăn bằng lần. Ở nhiều ngành khác như mía đường, nhựa, dược phẩm… cũng ghi nhận rất nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận “béo bở”.

Tuy nhiên, điều này đi đôi với thực trạng nhiều cổ phiếu đang neo ở vùng cao so với đáy và mặt bằng cổ phiếu đã không còn rẻ nữa. Trong khi đó, triển vọng nền kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Điều này rất dễ đưa thị trường vào thế có sự phân hóa mạnh và có thể sẽ có điều chỉnh lớn để đưa định giá cổ phiếu về đúng giá trị thật.

Mặt khác, SGI Capital cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đối với TTCK Việt Nam. Đó là việc tỷ giá USD/VND đang âm thầm nhích tăng. Nếu tỷ giá tăng mạnh sẽ gây áp lực lên TTCK khi Ngân hàng Nhà nước sẽ cần cân đối lãi suất ngắn hạn để tạo sự hấp dẫn cho VND. TTCK khi ở nền định giá không rẻ sẽ dễ phản ứng không tích cực với những thông tin bất lợi/đảo chiều của lãi suất.

Bên cạnh đó, tỷ lệ margin thị trường đang tiếp tục tăng và tiến dần về vùng rủi ro (vượt 3,5% vốn hóa thị trường). Lượng phát hành cổ phiếu của quý III sẽ tăng đột biến, gấp đôi quý II và giao dịch tập trung vào một số nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán, điều này sẽ rất dễ tạo một vùng cung đủ lớn khiến rủi ro điều chỉnh cho những nhóm ngành này lên cao vì đã tăng rất mạnh trước đó.

Trong báo cáo đánh giá về triển vọng thị trường, Chứng khoán Yuanta đánh giá dòng tiền vẫn đang duy trì ở mức tích cực. Dù vậy, đồ thị giá của chỉ số VN-Index đang bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy thị trường có thể sẽ biến động hẹp trong tháng 8 và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động gần vùng 1.195 – 1.200 điểm.

“VN-Index có thể sẽ đối mặt với vùng kháng cự mạnh 1.260 – 1.265 điểm cho nên thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên cuối tháng 8”, Yuanta lưu ý, đồng thời dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.195 – 1.265 điểm trong tháng 8/2023.

Cơ hội vẫn "đầy ắp"

Mặc dù đưa ra những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường trong thời gian tới, nhưng SGI Capital cho rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng dưới quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ vẫn sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy dòng tiền quay trở lại tìm kiếm cơ hội trên TTCK và sau đó là cả thị trường bất động sản trong những tháng tới.

Thực tế, khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2022, bắt nguồn từ sai phạm của một số tổ chức phát hành đã dẫn đến đợt giảm sâu của TTCK. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường vốn và thị trường bất động sản, nhà đầu tư đã dần trở lại với TTCK.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 7/2023, số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán tính đến 31/7 đạt hơn 7,46 triệu tài khoản. So với con số trong cuối tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đã tăng 150.619 tài khoản, chủ yếu là số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước với 150.351 tài khoản. Đây cũng là tháng có số lượng tài khoản nhà đầu tư mới lớn nhất và cũng là mức tài khoản mở mới cao nhất theo tháng trong 1 năm trở lại đây.

Cùng với đó, các phiên giao dịch với thanh khoản lên đến 1 tỷ USD liên tục xuất hiện. Trong khi vài tháng trước đó, mức thanh khoản 5.000-7.000 tỷ đồng là giao dịch phổ biến. Thống kê của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, thanh khoản tăng trên sàn HoSE đạt trung bình 18.361 tỷ đồng/phiên trong tháng 7, cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, với câu chuyện lãi suất có khả năng tạo đỉnh trong quý II/2023, dòng tiền vào thị trường đang dần được củng cố và kỳ vọng sẽ thăng hoa hơn trong những tháng cuối năm.

“Khi thanh khoản của thị trường bắt đầu tiếp cận những phiên cao của năm ngoái là trên một tỷ USD cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy tự tin vào tương lai phát triển của các doanh nghiệp trên sàn và cũng nhìn nhận rằng, mức giá trên thị trường bây giờ là hợp lý, hấp dẫn để có thể đầu tư”, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán BIDV (BSC) nhìn nhận.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, nhìn tổng thể thì nền kinh tế Việt Nam đã và đang dần thích nghi với những khó khăn và thách thức do sự sụt giảm nhu cầu và đơn hàng từ các đối tác thương mại lớn trên thế giới, dựa trên các định hướng điều hành vĩ mô của Chính phủ.

Tổng hợp báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, tăng trưởng so với quý trước đã có sự cải thiện và quý I đã là đáy suy giảm tăng trưởng thì đối với các ngành xuất khẩu, như dệt may, thủy sản, kỳ vọng đáy sẽ hình thành trong quý II.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc VCBF cho rằng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng dương trở lại từ tháng 9, nhờ nền so sánh thấp năm ngoái và nhu cầu nhập khẩu gia tăng để phục vụ mùa mua sắm cuối năm của các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu.

Theo đó, nhiều ý kiến chung nhận định, nếu các ngành xuất khẩu tăng trưởng lại trong nửa cuối năm, TTCK sẽ có thêm trụ đỡ vững chắc bên cạnh hai cột trụ được nhắc đến nhiều là cổ phiếu ngân hàng và đầu tư công.

“Trong ngắn hạn, VN-Index đang đối diện khả năng điều chỉnh, nhưng kết quả kinh doanh cải thiện trong nửa sau 2023 và 2024 sẽ giúp đưa định giá trở lại mức hấp dẫn hơn. Về trung hạn, VN-Index sẽ hướng tới mục tiêu 1.300-1.350 điểm”, BVSC kỳ vọng.

Hải Giang

Lượt xem: 9
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan