Thị trường ảm đạm, chênh lệch giá mua - bán vàng xuống thấp chưa từng có

Trong tuần qua, giá vàng đã có mức tăng gần 1%, nhu cầu đối với vàng của ngân hàng trung ương các nước tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Ngày cuối tuần 10/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,55- 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán vẫn hiện chỉ còn 600.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm nay 10/6 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.961,2 USD/ounce, tăng thêm 13 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 10/6 mua bán quanh mức 55,55- 56,5 triệu đồng/lượng, giữ nguyên với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức tuần này hiện ở mức 950.000 đồng/lượng.

Trong các tuần qua, giá vàng thế giới liên tục biến động sau khi lùi sâu dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá vàng miếng SJC trong nước không đi cùng chiều vàng thế giới. Có thời điểm giá vàng thế giới tăng, nhưng vàng miếng SJC lại lùi khỏi ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.

Điều này dẫn đến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước cũng tăng- giảm không ngừng. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng miếng SJC gần 11,5 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng trang sức khoảng 1 triệu đồng/lượng.
So với vàng miếng SJC chịu ảnh hưởng chủ yếu do mãi lực mua bán của thị trường nội địa, vàng trang sức cập nhật theo sát giá vàng thế giới nhiều hơn.

Ghi nhận tại các đơn vị kinh doanh vàng, thị trường mua bán đang rất ảm đạm. Không chỉ thờ ở với vàng miếng SJC (do giá chênh quá cao so với thế giới), các nhà đầu tư, cá nhân cũng giảm hẳn mua vàng nhẫn, vàng trang sức.

Việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đang tác động đến thị trường mua sắm vàng, nên hầu hết các đơn vị kinh doanh đang kéo giá chênh lệch mua- bán xuống mức thấp, mà ngay cả giá tiền gia công vàng của nhiều món trang sức nhỏ cũng đang giảm mạnh.

Cụ thể, giá công nhẫn, mặt dây chuyền trang sức từ mức 400.000- 500.000 đồng/món nay chỉ còn 250.000- 350.000 đồng. Những loạc lắc, vòng, xuyến giá công từ mức 1 triệu, nay chỉ còn khoảng 500.000- 600.000 đồng.

Nhiều điểm kinh doanh áp dụng chính sách vàng đổi vàng, chỉ lỗ tiền công. Theo đó người mua vàng trang sức mỗi lần mang đổi sang mẫu mới với trọng lượng vàng tương đương, chỉ mất khoảng 150.000- 250.000 đồng tiền gia công. Đây là biện pháp kéo khách hàng mua sắm, đổi mẫu trang sức mới mỗi tháng.

Đầu ngày 10/6, giá vàng hôm nay của thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối tuần tại 1.961,2 USD/ounce. Đêm qua, giá vàng trên thị trường quốc tế có lúc lên tới 1.970 USD/ounce nhưng sau đó khựng lại.

Giới phân tích nhận định lãi suất trái phiếu Mỹ tăng đã giúp sức khỏe đồng USD hồi phục, sau khi đồng tiền này giảm giá mạnh trong các ngày trước. Điều này được cho là yếu tố chính hạn chế đà tăng giá vàng.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.960,7 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.977,2 USD/ounce.

Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, kinh tế Mỹ tiếp tục yếu đi, đây là tin tốt cho vàng. Nếu lạm phát tiếp tục giảm và Fed không tăng lãi suất vào cuộc họp tiếp theo, vàng sẽ bứt phá.

Trong tuần qua, giá vàng đã có mức tăng gần 1%. Hãng tin Bloomberg đưa tin, nhu cầu đối với vàng của ngân hàng trung ương tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi trong tháng 5/2023, Trung Quốc tiếp tục tích lũy thêm loại kim loại này, kéo dài việc mua vào sang tháng thứ 7 liên tiếp.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã mua 16 tấn vàng dự trữ trong tháng 5, tiếp tục xu hướng đã bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Trong 6 tháng trước đó, Trung Quốc đã mua được 144 tấn vàng và hiện đã tích lũy được 2.092 tấn.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gia tăng nhu cầu đối với kim loại quý này.

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) trước đó đã ghi nhận lượng mua tăng mạnh trong năm ngoái. Chỉ riêng trong quý đầu tiên của năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua 228,4 tấn vàng, lập kỷ lục theo quý mới. Việc tăng cường dự trữ kim loại này cho thấy động thái ngày càng rời xa đồng USD với tư cách là một loại tiền dự trữ.

Theo một cuộc khảo sát của WGC trong tháng 5, một nửa số ngân hàng trung ương kỳ vọng tỷ lệ dự trữ bằng đồng đô la sẽ tiếp tục giảm, chiếm 40-50% trong 5 năm tới. Trong khi đó, dự trữ bằng vàng được dự báo sẽ tăng trong cùng khoảng thời gian.

Cuộc khảo sát tương tự cho thấy, 1/4 ngân hàng trung ương có ý định bổ sung lượng vàng nắm giữ trong năm tới.

Lượt xem: 7
Tác giả: Bích Thủy
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật