Sự hồi phục của thị trường chứng khoán có thể chậm hơn kỳ vọng?

Những phiên hồi phục gần đây đang khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán đã tạo đáy và đi lên. Dù vậy, những yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn chưa chắc chắn, trong khi thanh khoản cũng đang giảm sút.

Sau hai lần thất bại ở ngưỡng 1.250 điểm, VN-Index giảm liên tiếp về sát ngưỡng 1.100 điểm trước khi tăng trở lại vào phiên cuối tuần trước (6/10), lên 1.128,54 điểm. Và nối tiếp đà tăng, VN-Index lên mức 1.137,36 điểm trong phiên đầu tuần mới (9/10).

Yếu tố hỗ trợ chưa chắc chắn

Có thể thấy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dường như đang “rộn rã” trở lại khi trên nhiều diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư bắt đầu khoe bắt đáy thành công và đang có một mức hời kha khá trong tài khoản.

Tình trạng này xuất hiện trong bối cảnh P/E thị trường về mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình 3 năm cùng một số chỉ tiêu vĩ mô bắt đầu có cải thiện như cán cân xuất nhập khẩu, FDI, doanh số bán lẻ…

Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong quý III/2023 so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) cũng là yếu tố khiến TTCK mong chờ đón "sóng" kết quả kinh doanh quý III.

Hơn nữa, áp lực tỷ giá có vẻ đang hạ nhiệt khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng 107 điểm, giảm bớt lo ngại về việc đảo chiều chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ có điều kiện để duy trì ở vùng thấp nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.

-2083-1696844346.jpg

Sau những phiên hồi phục, nhà đầu tư bắt đầu khoe bắt đáy thành công và đang có một mức hời kha khá trong tài khoản. 

Dù vậy, ẩn số giá hàng hóa cùng sức mạnh đồng bạc xanh vẫn là 2 yếu tố chính khiến lạm phát và tỷ giá trở nên khó lường và cần đặc biệt quan sát ở những tháng cuối năm 2023 cũng như khi bước sang năm 2024.

Đặc biệt, theo quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường khó có thể có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng. Cho nên, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường trong thời gian tới là không lớn.

Mặt khác, đà hồi phục của chỉ số vẫn chỉ trong biên độ hẹp. Và thực tế 1-2 phiên hồi phục là chưa đủ cơ sở để khẳng định TTCK đã có tín hiệu tạo đáy và đang bắt đầu một xu hướng hồi phục đi lên.

“Động lực tăng của TTCK hiện ở mức thấp và những nỗ lực hồi phục ngắn hạn mang tính kỹ thuật, kém bền vững”, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá.

Theo giới phân tích, các chỉ báo định lượng ủng hộ quan điểm thị trường tạo đáy đi lên cần thêm sự quan sát với các chỉ báo về đà tăng của nhóm vốn hóa lớn, cũng như khả năng hình thành xu thế mua mạnh của lực cầu.

"Báo động đỏ" thanh khoản thị trường

Đáng chú ý, việc thanh khoản thấp đang thể hiện sự e ngại của lực cầu. Trong giai đoạn giữa năm, thanh khoản bình quân của thị trường có những tháng vượt 20.000 tỷ đồng/phiên, nhiều phiên ghi nhận mức tỷ USD (giá trị giao dịch của HoSE thường bùng nổ ở những phiên chỉ số giảm mạnh hay hồi phục với biên độ trên 10 điểm). Tuy nhiên, thời gian gần đây, dù nhịp hồi lại hay giảm sâu, tiền vào TTCK vẫn ở mức thấp.

Tính riêng trong tuần trước, thanh khoản trên 3 sàn sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.176 tỷ đồng (giảm 20,7% so với tuần trước đó).

Các chuyên gia cho rằng điều này thực sự là khó hiểu, bởi thanh khoản giảm sút trong khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp kỷ lục. Lãi suất và chứng khoán vốn là hai chỉ tiêu ngược chiều, lãi suất thấp là tiền đề giúp chứng khoán tăng lên. Tuy nhiên, nghịch lý đang tồn tại chỉ có thể được giải thích là do nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an với thị trường nên còn dè dặt “bắt đáy”, dù các chuyên gia vẫn đánh giá cao thị trường trong trung và dài hạn.

Một chuyên viên môi giới chia sẻ với VnBusiness, tính từ mức đỉnh ngắn hạn, VN-Index đã giảm mạnh hơn 100 điểm, các ngưỡng hỗ trợ được xem là "cứng" như 1.200, 1.170 hay 1.150 lần lượt đều bị phá vỡ. Nhà đầu tư “bắt đáy” ở những ngưỡng này hầu hết vẫn đang chịu lỗ. Một số khác đã trải qua “bài học đau thương” trong những nhịp điều chỉnh từ năm 2022 đang có tâm lý thận trọng hơn, sợ rủi ro. Đa số cho rằng nhịp điều chỉnh còn kéo dài nên chưa vội “bắt đáy”, và họ sẽ chấp nhận mua giá cao hơn khi thị trường có tín hiệu tăng rõ ràng. Điều đó dẫn tới thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng.

Dĩ nhiên, với việc dòng tiền đang “co hẹp” dần sẽ làm cho nhóm vốn hóa lớn khó có thể bứt phá, vô hình trung khó có thể khiến thị trường tạo sự bùng nổ về điểm số, bởi nhóm cổ phiếu này cần lượng lớn dòng tiền vào mới có thể “bứt phá” ổn định, trong khi đà tăng dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khó bền vì mang tính đầu cơ cao. Cho nên, rất có thể thời gian để TTCK hồi phục trở lại sẽ kéo dài hơn so với dự báo của các chuyên gia bởi yếu tố thanh khoản của thị trường.

Liên quan đến vấn đề dòng tiền, theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của người dân từng tháng liên tục cao hơn so với tháng trước. Diễn biến này được duy trì trong suốt một năm qua, bất chấp mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm. Riêng trong tháng 7 vừa qua, số dư tiền gửi đã vượt kỷ lục của tháng 6 khi tăng thêm 6.707 tỷ đồng. Tiền gửi của người dân đổ vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục cho thấy các kênh đầu tư khác, bao gồm chứng khoán đã giảm sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 06/2023/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản TTCK. Bởi lẽ Thông tư 06 hạn chế các công ty chứng khoán (CTCK) tiếp cận vốn vay, sẽ làm thị trường khó khăn hơn, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn margin trên toàn thị trường. Dự báo TTCK sẽ còn gặp khó trong một thời gian rất dài vì thiếu nguồn tiền.

“Nếu khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 được áp dụng theo cách hiểu của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, điều quan trọng là các CTCK sẽ không chủ động trong việc tối ưu nguồn vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng các CTCK sẽ phải tính toán rất kỹ trong việc vay vốn ngân hàng nhằm tối thiểu hóa chi phí vốn và vẫn phục vụ được nhu cầu cho vay margin của thị trường. Do đó, Thông tư 06 còn ảnh hưởng đến chính thanh khoản TTCK”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Hải Giang

Lượt xem: 11
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan