Rủi ro vẫn chực chờ cổ phiếu công nghệ?

Nhờ hưởng lợi từ các chính sách phát triển hạ tầng của Nhà Nước cùng xu thế chuyển đổi số mạnh trong doanh nghiệp, giới phân tích dự đoán, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin sẽ hút tiền hơn trong năm 2023. Nhưng theo chuyên gia, vẫn còn đó những rủi ro đang chực chờ đối với nhóm cổ phiếu này.

Nhìn lại năm 2022, nhiều doanh nghiệp công nghệ niêm yết vẫn “sống khỏe” với kết quả kinh doanh công bố đầy tích cực, nhất là nhóm liên quan đến công nghệ - viễn thông, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Điển hình, “ông lớn” ngành công nghệ - Công ty Cổ phần FPT (FPT) ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2022. Theo đó, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% mục tiêu lợi nhuận.

-9348-1676971874.jpg

Định giá cổ phiếu cao, doanh nghiệp khó có sự đột phá về lợi nhuận… là "rào cản" bứt phá đối với cổ phiếu công nghệ. (Ảnh minh họa)

Tương tự, thành viên của “anh cả” trong làng công nghệ (Viettel), Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã: VGI) báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2022 đầy ấn tượng với mức doanh thu cũng như lợi nhuận trước thuế đều đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, doanh thu lũy kế cả năm 2022 của Viettel Global đạt hơn 23.700 tỷ đồng, tăng gần 4.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 23,4% so với mức 19.200 tỷ đồng của năm 2021. Nhờ đó, lợi nhuận gộp của Viettel Global tăng gần 4.400 tỷ lên 11.540 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp cao kỷ lục 48,6%.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Viettel Global tăng gấp hơn 3 lần từ 880 tỷ lên 3.021 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận năm của Viettel Global vượt mức 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.549 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 860 tỷ đồng.

Hay như Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng năm tài chính 2022 (từ 1/4 - 31/12) của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh doanh quốc tế khi doanh thu tăng trưởng 75% so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 6.239 tỷ đồng, vượt 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 416 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. CMC dự kiến năm tài chính 2022 (kết thúc vào 31/3/2023) sẽ đạt mức doanh thu thuần là 8.600 tỷ đồng, vượt 24% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, dù có mức doanh thu tăng trưởng mạnh trong quý IV/2022, nhưng lợi nhuận của Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (ELC) lại sụt giảm nghiêm trọng với lợi nhuận gộp giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước ở mức gần 29,8 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Elcom ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 863 tỷ đồng, tăng 31% và 37 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2021.

Trong khi đó, do các chi phí đều âm mạnh khiến cho CTCP VNG (VNZ) lỗ đậm 547 tỷ đồng quý IV vừa qua – mức lỗ gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế cả năm năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG. Đồng thời, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút.

Cổ phiếu khó có sự bứt phá?

Hiện nay, thế giới đang trong thời kỳ kỷ nguyên công nghệ, tỷ lệ số hóa trong tổng GDP toàn cầu đạt đến 65%, tổng giá trị đầu tư chuyển đổi số 2022 là 1,8 tỷ USD. Do vậy, công nghệ được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu công nghệ thời gian qua vẫn khá “kín tiếng”, trừ FPT và mới nhất là VNZ.

Sang năm 2023, giới phân tích dự đoán, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin sẽ phát triển nhờ chính sách khuyến khích chuyển đổi số của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng giao thông thông minh trong giai đoạn 2022 – 2025. Ngoài ra, kế hoạch triển khai 5G tại Việt Nam cũng giúp các doanh nghiệp ngành viễn thông phát triển, nhất là các doanh nghiệp lắp đặt, bảo trì hệ thống và chuyển đổi hạ tầng giữa các nhà mạng do nhu cầu tăng cao.

Dù vậy vẫn phải nhìn nhận rằng, mức định giá cổ phiếu công nghệ của các doanh nghiệp đầu ngành khá đắt, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường nhờ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đột biến và một phần đến từ sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Song đây lại chính là “rào cản” khiến nhóm cổ phiếu công nghệ khó có thể bứt phá.

Mặt khác, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao và vẫn có thể tiếp tục xu hướng tăng, định giá cổ phiếu sẽ đắt lên một cách tương đối so với kênh đầu tư thay thế phổ biến là gửi tiết kiệm ngân hàng. Điều này khiến các cổ phiếu công nghệ sẽ càng trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ đều có nợ ròng không cao, do đó ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng lãi suất đến lợi nhuận là không quá rõ rệt.

Ngoài ra, khó có thể kỳ vọng vào một sự đột phá lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ do rào cản về nhân lực và tốc độ tăng trưởng của nhu cầu, trong khi rủi ro suy thoái và lạm phát vẫn đang hiện hữu trên toàn cầu có thể khiến chi tiêu cho công nghệ thấp hơn dự kiến.

Thực tế, trên thế giới, các “gã khổng lồ” công nghệ thông tin như Google, Meta, Amazon, Microsoft… dường như đang lao dốc tập thể. Điều này được thể hiện ở việc sa thải nhân viên quy mô lớn nhất trong lịch sử. Và kế hoạch này vẫn chưa dừng lại sau khi bước vào năm 2023.

Theo Washington Post, các ông trùm công nghệ đã mất hơn 433 tỷ USD vì giá cổ phiếu lao dốc và nhiều công ty chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, riêng Elon Musk để mất 132 tỷ đô – tương đương một nửa tài sản trong năm 2022.

Tại Việt Nam, nhiều ông lớn từng bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ, nhưng lại nhận lại cái kết đắng, phải cắt lỗ sau hàng chục năm đầu tư.

Chẳng hạn, trong năm 2022, Tập đoàn NTT Domoco – Tập đoàn viễn thông lớn đến từ Nhật Bản đã thoái toàn bộ vốn tại CTCP Truyền thông VMG (ABC), khoảng 5 triệu cổ phiếu và thu về 47,5 tỷ đồng. Như vậy, sau 11 năm đầu tư, NTT Domoco đã lỗ đến 322,5 tỷ đồng, tương đương mức lỗ 87%, mặc dù trong thời gian đầu tư, NTT Docomo cũng đã nhận về lượng đáng kể cổ tức.

Hay như ông lớn ngành chứng khoán, CTCP Chứng khoán SSI đã từng ôm trái đắng khi đầu tư vào Elcom; một số tổ chức cũng ghi nhận đã từng lỗ rất lớn khi mua cổ phiếu VNZ (so với giá mới lên sàn).

Nhìn chung, hầu hết các nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu công nghệ đều là những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn và lựa chọn phương án đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng. Tuy nhiên, với những rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư vẫn cần sáng suốt trong việc tham gia một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành này, khi mà 3 năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức luôn bị "mù quáng" bởi định giá niềm tin vào các công ty công nghệ và khởi nghiệp.

Hải Giang

Lượt xem: 13
Tác giả: Hải Giang
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan