Phân khúc nhà ở xã hội sẽ "cứu cánh" thị trường bất động sản 2024

Những dự án luật quan trọng liên quan đến bất động sản đã được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, tạo ra hàng pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân,

Đồng bộ hóa chính sách sẽ góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở (Ảnh minh họa: internet)

Đồng bộ hóa chính sách sẽ góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở (Ảnh minh họa: internet)

Những dự án luật quan trọng liên quan đến bất động sản đã được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, tạo hành pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Đồng bộ văn bản luật, "mở đường" cho nhà ở xã hội

Quốc hội đã chính thức thông qua các luật: Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là ba dự án luật quan trọng sẽ giúp giải quyết những tồn đọng trên thị trường, khai thác tối đa nguồn lực và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản.

Theo các chuyên gia, pháp lý chính là vấn đề "mấu chốt" gây nên sự ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở, gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường. Chính vì thế, việc đồng bộ hóa chính sách sẽ góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở, giúp dòng tiền được luân chuyển một cách linh hoạt.

Trong đó, nhà ở xã hội được coi là một trong những phân khúc cấp thiết của thị trường, do đó việc ban hành các quy định về quỹ đất, đối tượng, giá bán, quy hoạch,… khi được áp dụng sẽ tạo ra nguồn cung nhà ở dồi dào cho người có thu nhập thấp, trung bình.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc Quốc hội thông qua ba luật: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản nói chung, thị trường nhà ở xã hội nói riêng. Nhờ vào sự "trợ lực" của các dự án luật trên sẽ giúp công tác phát triển nhà ở xã hội có thêm nhiều kết quả tích cực hơn. 

Trong Luật Nhà ở mới, đối với những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất nhà sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Đồng thời chủ đầu tư sẽ được miền trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ; Đặc biệt, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là điểm công để tăng sức hút đầu tư.

Nhiều rào cản mua nhà ở xã hội được loại bỏ, Luật Nhà ở đã quy định cụ thể các nhóm đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội. Nghị định, thông tư cũng như đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về từng điều kiện của đối tượng như nhà ở, thu nhập, nơi cư trú...

Đối với Luật Đất đai mới sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được quỹ đất sạch, rõ ràng hơn khi điều chỉnh theo hướng minh bạch, công khai.

"Mặc dù cần ít nhất 1 năm nữa thì các dự án luật này mới chính thức đi vào cuộc sống, nhưng từ ngay lúc này việc đồng bộ chính sách đã mang lại nhiều tác động tích cực đến tâm lý người dân và giúp doanh nghiệp có kế hoạch, định hướng đầu tư kinh doanh trong thơi gian tới", ông Đính nói.

Kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội 2024

Nguồn cung nhà ở hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến giá bán bất động sản liên tục tăng cao. Hiện tượng chênh lệch cung cầu đã xuất hiện trong nhiều năm qua, thị trường gần như không còn nhà ở giá bình dân dẫn đến nhiều người có nhu cầu mua thực không tiếp cận được nhà ở.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, trong năm 2024, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực như nhà phố, chung cư sẽ được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Bởi đây là phân khúc sẽ tạo ra dòng tiền luân chuyển thường xuyên, giữ giá ổn định.

Hiện nay, chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội theo Quyết định số 338/QĐ-TTg là một trong những chủ trương tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay, do đó cần giải ngân nhanh chóng gói 120.000 nghìn tỷ, thúc đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, kích cầu mua bán bất động sản.

Ông Thịnh cho biết thêm, khi các sản phẩm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội được đi vào hoạt động, thu hút dòng tiền của người dân sẽ kéo theo các phân khúc khác "trôi chảy" theo, giúp thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn sóng gió.

"Phân khúc nhà ở xã hội sẽ trở thành phân khúc "cứu cánh" cho thị trường bất động sản năm 2024 và cho các năm tiếp sau. Kỳ vọng nghị định, nghị quyết cũng như các quy định mới sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, từ đó giúp thị trường bất động sản tốt lên", ông Thịnh nói.

Ông Thịnh hy vọng, những quy định mới ban hành sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, từ đó sớm cải thiện được nguồn cung nhà ở, hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn đang phải đợi các luật mới sẽ sớm đi vào cuộc sống thực tế, khi đó thị trường mới có sự thay đổi rõ rệt.

Theo Minh Châu/Diendandoanhnghiep.vn
Lượt xem: 5
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật