Phải làm gì để có nhà ở hợp túi tiền?

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại Nghị trường Quốc hội chiều 3/11 là giải pháp để  giải "cơn khát" nhà ở vừa túi tiền đang lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi này, không thể chỉ dựa vào một bộ ngành hay một cá nhân nào.

Số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Nguồn cung nhà giá bình dân chỉ chiếm tỷ lệ “siêu nhỏ” trong tổng nguồn cung, vào khoảng 1% năm 2020, 0% năm 2021, và chưa sáng sủa hơn trong năm 2022.

"Cởi trói" về thủ tục

Trước diễn biến từ thực tế, trên Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, trong những năm qua, dù được Nhà nước quan tâm, tuy nhiên vấn đề nhà ở chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra khi mới đạt được 7,79/12,5 triệu m2. Nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu.

Nguyên nhân được chỉ ra là bởi những chồng chéo giữa Luật Nhà ở và các Luật khác liên quan đến những chính sách ưu đãi, giá bán, quy định quỹ đất tối thiểu 20% cho nhà ở xã hội..., trong đó việc chưa đảm bảo quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn nhất.

Thực tế, khó khăn về thủ tục hành chính là vấn đề đã được các doanh nghiệp phát triển dự án “than trời” từ rất lâu trước khi phiên chất vấn “tư lệnh” ngành xây dựng diễn ra. Nhiều doanh nghiệp còn khẳng định không phải tín dụng, pháp lý mới là bài toán nan giải nhất hiện tại của họ.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group chia sẻ, nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi dòng vốn ngân hàng bị bóp nghẹt, giá nhân công tăng, quỹ đất hạn chế, giá trên trời, và thủ tục pháp lý vẫn không có sự thay đổi. Chủ đầu tư muốn giảm giá cũng vô vọng.

"Trong những khó khăn trên, ngành xây dựng cần nhanh chóng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giảm quy trình pháp lý, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính để chủ đầu tư sớm triển khai nhanh các giai đoạn của dự án, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân", ông Phúc nhấn mạnh.

-2787-1667468010.jpg

"Cơn khát" nhà ở hợp túi tiền đang lên đỉnh điểm, cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.

Trong đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt, vấn đề thủ tục hành chính cũng là điểm nóng.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ban hành chính sách mới về phát triển nhà ở xã hội theo hướng hậu kiểm giá bán, đối tượng mua nhà, điều kiện mua nhà…

Với các địa phương, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở, nêu rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đẩy nhanh việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai, các dự án đã có chủ trương đầu tư.

Ưu tiên dòng vốn vay

Cũng theo đề án, địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án. Quy hoạch các dự án nhà giá rẻ tại các thành phố lớn cần ở vị trí phù hợp, hạ tầng hoàn thiện.

Bên cạnh "cởi trói" về thủ tục hành chính, vốn vay cũng là khó khăn cần tháo gỡ để khơi thông nguồn cung nhà ở hợp túi tiền cho người dân. Theo Bộ Xây dựng, để có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ cần khoảng 1,13 triệu tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân trong giai đoạn 2021-2030 rất lớn, khoảng 2,4 triệu căn, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 1,24 triệu căn, giai đoạn 2026-2030 là 1,16 triệu căn.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở. Trong tổng nguồn vốn hơn 1,13 triệu tỷ đồng, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp chiếm khoảng 60% số lượng nhà ở, nhu cầu vốn khoảng 850.000 tỷ đồng; nhà ở công nhân chiếm khoảng 40% số lượng, với khoảng 280.000 tỷ đồng.

Con số vốn khổng lồ ở trên cho thấy, để giải quyết dòng tiền cho phát triển nhà ở sẽ cần cả hệ thống từ trung ương đến địa phương vào cuộc. Trong đó, Bộ Xây dựng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng báo cáo Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay thương mại 2% với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 3/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng, trong thời tới cần tập trung các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản, sử dụng đúng mục đích, cho vay đúng dự án tốt. Đặc biệt, cần ưu tiên cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, kiểm soát vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án đang triển khai…

Thực tế chỉ ra bên cạnh các chính sách của Nhà nước, sự tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu chính là nền tảng để nguồn cung nhà giá rẻ được cải thiện. Vì vậy, nếu được "cởi trói" các vấn đề được coi là cốt lõi như vốn, quỹ đất, thủ tục…, các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn. Trong đó có những "đại gia" hàng đầu như Vinhomes, Hòa Bình, Becamex IDC, Viglacera, APEC, Nam Long, Địa ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land… vốn đã có những hoạt động tích cực hướng tới nhà ở giá rẻ trong thời gian qua.

Hưng Nguyên

Lượt xem: 26
Tác giả: Hưng Nguyên
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan