Nhịp đập Thị trường 15/08: Tiếp tục gặp khó, thanh khoản "tụt áp"

Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi sắc đỏ đã hiện diện trên cả 3 sàn, trong đó VN-Index có lúc giảm hơn 4 điểm. Tình hình thanh khoản có sự suy yếu rõ rệt.

Tính đến thời điểm 10h30, VN-Index giảm 3.46 điểm về mức 1,226.90; HNX giảm 0.79 điểm về mức 228.89; UPCoM giảm 0.08 điểm về mức 92.57.

Sắc đỏ cũng lan rộng trên thị trường với 369 mã đỏ, 6 mã xanh sàn, trong khi có 168 mã xanh và 22 mã tím trần. Xét theo nhóm ngành, đa phần cũng đang giảm điểm, mạnh nhất là nhóm viễn thông giảm 2.84%, sức ép đến từ VGI, FOX,… và nhóm năng lượng giảm 1.06% với áp lực từ PVS, PVD, BSR,…

Trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực lên VN-Index, GVR đang dẫn đầu khi lấy đi 0.5 điểm, tiếp đến là loạt ông lớn như MWG, FPT, TCB, MSN… Ở chiều ngược lại, HDB tỏ ra đơn đơn độc trong nỗ lực “cứu” điểm cho chỉ số.

Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ hơn 3,498 tỷ đồng, thấp hơn thấy rõ so với phiên hôm qua và trung bình 5 phiên gần nhất. Tuy nhiên, sự thận trọng này cũng dễ hiểu khi hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, dễ xuất hiện các biến động khó lường.

Mở cửa: Ngược chiều thế giới

Trái ngược với những kỳ vọng về diễn biến tích cực hưởng ứng theo thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index lại khởi đầu với việc giảm nhẹ. Một điểm mà các nhà đầu tư cần lưu ý là hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, do đó có thể xuất hiện nhiều biến động khó lường.

Tính đến thời điểm 9h30, VN-Index giảm 2.08 điểm về mức 1,228.28; HNX giảm 0.18 điểm về mức 229.50; riêng UPCoM tăng 0.2 điểm lên mức 92.85. Thanh khoản đang ghi nhận thấp hơn phiên hôm qua và cả trung bình 5 phiên gần nhất, cho thấy những sự thận trọng nhất định.

HDB đang là cổ phiếu thu hút dòng tiền nổi bật trong đầu phiên sáng, cổ phiếu này cũng đang tăng hơn 2%.

Diễn biến của thị trường Việt Nam trái ngược với dự đoán của nhiều nhà đầu tư khi kỳ vọng về sự đồng thuận với diễn biến tích cực trên thế giới. Điển hình là ở bên kia bán cầu, chỉ số tại thị trường Mỹ như Dow Jones, S&P 500 hay Nasdaq Composite đều đóng cửa trong sắc xanh, hưởng ứng dữ liệu lạm phát tích cực.

Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 tăng 2.9% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 3% trong tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. So với tháng trước, CPI tăng 0.2%. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo CPI tăng 0.2% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cốt lõi, đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng khỏi lạm phát danh nghĩa, tăng 0.2% trong tháng 7, cũng phù hợp với dự báo.

Báo cáo này được đưa ra một ngày sau khi số liệu lạm phát bán buôn thấp hơn dự báo đã thúc đẩy cổ phiếu tăng điểm.

Lượt xem: 3
Tác giả: Huy Khải
Tin liên quan