Nhìn lại luật Đất đai từ vụ Tân Hoàng Minh

Kinh tế đất đai từ năm 2003 đã vận động theo 2 phân khúc, trong đó đấu giá đất vận động theo cơ chế thị trường, còn thu hồi đất thì hoàn toàn đối lập với cơ chế này.

 

Nhìn lại luật Đất đai từ vụ Tân Hoàng Minh - VietNamNet

Sở hữu tài sản công và tài sản tư là vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Chủ nghĩa tư bản đã tuyệt đối hóa sở hữu tư nhân, còn chủ nghĩa cộng sản với tên gọi của mình đã chủ trương về sở hữu công cộng, sở hữu toàn dân.

Tuy nhiên, để đi tới chủ nghĩa cộng sản, phải trải qua nhiều chặng quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), không thể nóng vội. Sau giải phóng miền Bắc, Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 1959 với mục tiêu đưa miền Bắc tiến lên CNXH.

Mặc dù hừng hực khí thế cách mạng, hiến pháp này, trong khi khẳng định chế độ sở hữu XHCN là sở hữu toàn dân, nhưng đã thận trọng và kỹ lưỡng xác lập những hình thức đa dạng của chế độ này, trong đó có sở hữu nhà nước, có sở hữu tập thể, có sở hữu gia đình, có sở hữu của tư sản dân tộc.

Cụ  thể hơn, Hiến pháp năm 1959 xác định  rằng “các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật qui định là của nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân” (điều 12).

Như vậy, theo hiến pháp này, không phải toàn bộ đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân, và sở hữu toàn dân không phủ định hình thức sở hữu nhà nước. Hiến định này đã được thực hiện xuôi chèo mát mái trong suốt 20 năm (1959-1980) mà không cần có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể nào.  

Tài sản và sở hữu tài sản là một lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của bộ luật Dân sự. Việt Nam đã có 3 bộ luật này được ban hành năm 1995, 2005, và 2015. Bộ luật đầu tiên và thứ hai đều có những điều khoản về sở hữu nhà nước. Đến bộ luật năm 2015, sở hữu nhà nước đã không còn hiện diện trong luật này.  

Vậy là, nhà nước Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, đến nay đã sang tuổi 77, trong đó 67 năm (1946-2013) thực hiện định chế về sở hữu nhà nước, 10 năm (2013-2022) không còn định chế này và cũng chưa có luật về Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với tài sản công.

Trong khoảng trống quyền lực đó, luật Đất đai đầu tiên năm 1987 không đề cập gì đến thị trường đất đai. Đến năm 2003, luật tách Quyền sử dụng đất vốn là 1 trong 3 cấu phần của quyền sở hữu đất (gồm quyền chiếm hữu đất, quyền sử dụng đất, và quyền định đoạt đất) để thiết lập một loại thị trường hoàn toàn mới, đó là “thị trường quyền sử dụng đất”, và không đề cập gì đến việc có hay không có “thị trường quyền chiếm hữu đất” và “thị trường quyền định đoạt đất”.

Có thể nói, trong toàn bộ thời lượng của thời kỳ Đổi Mới từ năm 1986 đến nay, chẳng những Việt Nam đã không có thị trường đất,  mà còn thả nổi “quyền chiếm hữu đất” và “quyền định đoạt đất”, điển hình là ở định chế về “thu hồi quyền sử dụng đất” và tiến hành “đấu giá quyền sử dụng đất”.

Hệ thống chính trị đã chưa nhốt được quyền chiếm hữu và quyền định đoạt về đất vào “lồng thể chế” nên đã để những phần tử thoái hóa, biến chất trong “Nhà nước là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu toàn dân về tài sản công” tạo những lũng đoạn nhằm lợi ích riêng, cá biệt, gây nguy hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Từ năm 2003 đến nay, việc thả nổi  trên đây đã cho phép thực hiện việc thu hồi quyền sử dụng đất, đấu thầu quyền sử dụng đất với sự chênh lệch giữa giá thu hồi với giá đấu thầu không dưới 10 lần, và tại Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 chênh lệch đó đã lên tới 100 lần (2,4 tỷ đồng so với 24 triệu đồng/m2).

Với thực tiễn đó, kinh tế đất đai từ năm 2003 đã vận động theo 2 phân khúc, trong đó đấu giá đất thì vận động theo cơ chế thị trường, còn thu hồi đất thì hoàn toàn đối lập với cơ chế này.

Như vậy, trên một thửa đất cụ thể, giá thấp (thu hồi đất) dành cho người dân, giá cao (đấu thầu) dành cho người đại diện chủ sở hữu toàn dân và người kinh doanh bất động sản. Sự cao thấp mênh mông này vừa về giá, vừa về thể chế đã tạo cơ hội có một không hai để những kẻ thoái hóa biến chất trong bộ máy nhà nước chia chác lợi ích nhóm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đây là 2 loại người đã giàu to và thần tốc từ năm 2003 đến nay.

Tân Hoàng Minh dự thầu lô đất 3-12 tại Thủ Thiêm đã làm dậy sóng dư luận những ngày qua có phần vì tập đoàn này thắng thầu với giá quá cao, có phần vì bỏ cọc lại quá bất ngờ. Chắc chắn rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân sẽ vào cuộc.

Sự việc này, về phần nổi sẽ dễ dàng được phán quyết, nhưng về phần chìm, phần căn cơ lại không hề xuôi chèo mát mái, đó là làm sao khắc phục được những khiếm khuyết liên tiếp của luật Đất đai năm 1987, 1993, 2003, và dồn cục lại tại luật năm 2013, trong đó:

Làm sao kế thừa và phát triển được hệ thống hiến định về sở hữu đất đai của Việt Nam qua các thời kỳ, mà trong chặng đầu của thời kỳ quá độ hiện nay, toàn bộ đất đai đều thuộc chế độ sở hữu toàn dân, nhưng phải được thực hiện dưới các hình thức sở hữu cụ thể gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân?

Làm sao vẫn duy trì thị trường quyền sử dụng đất, nhưng phải nhốt được “quyền chiếm hữu đất, “quyền định đoạt đất” vào “lồng thể chế”? Nếu không nhốt được 2 quyền đó thì không gì hơn là nâng cấp thị trường quyền sử dụng đất lên thị trường đất.

Làm sao, trong xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa, việc chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp thì người nông dân không phải là bên thua thiệt với giá thấp đạt đỉnh tới 100 lần so với giá đất kinh doanh trên thị trường bất động sản? 

Lượt xem: 237
Tác giả: TS Đinh Đức Sinh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật