Nên giải cứu bất động sản hay giải cứu lòng tin của khách hàng?
Thời gian gần đây cụm từ “giải cứu” thị trường bất động sản trở thành một chủ đề được nhiều người quan tâm với đa chiều quan điểm. Dưới góc nhìn doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) ông Nguyễn Thọ Tuyển, cho rằng mấu chốt quan trọng nhất vẫn là giải quyết được bài toán của khách hàng. Khi họ sẵn sàng xuống tiền thì mọi nút thắt mới được tháo gỡ.
Lòng tin của khách hàng quyết định thị trường
Ông Nguyễn Thọ Tuyển dẫn số liệu thống kê cho biết hiện nay có khoảng 14 triệu tỷ đồng đang được gửi trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, khách hàng cá nhân khoảng 6 triệu tỷ đồng, còn lại là của các tổ chức kinh tế (thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 11/2022).
Như vậy, không phải các nhà đầu tư không có tiền mà họ chưa muốn xuống tiền. Nếu khơi thông được một phần trong số tiền gửi đó vào bất động sản thì thị trường sẽ tốt. "Những gói tín dụng hơn trăm nghìn tỷ hiện nay cũng rất tốt, nhưng không thấm vào đâu so với cơn khát vốn của doanh nghiệp và chưa làm cho khách hàng cảm thấy thực sự hào hứng", ông Tuyển nhận xét.
Theo ông Tuyển, để khách hàng sẵn sàng đổ tiền vào thị trường cần giải quyết vấn đề pháp lý cho các dự án, đặc biệt là đối với bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tạo tính minh bạch cho thị trường.
“Trong gần 10 năm qua, lượng tiền đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn, có thể lên tới cả triệu tỷ. Tuy nhiên, hiện nay cả chủ đầu tư và khách hàng đều đang đứng trước câu hỏi bao giờ biệt thự biển và condotel được cấp sổ? Nếu loại hình bất động sản này có giấy khai sinh (sổ đỏ/hồng) thì việc mua/bán/thế chấp… sẽ dễ dàng hơn, qua đó tạo thanh khoản, khơi thông dòng vốn nhanh và tăng lòng tin của khách hàng”, ông cho hay.
Ngoài ra, việc giải quyết/tháo gỡ pháp lý cho các dự án đô thị ở các địa phương cũng sẽ làm cho nguồn cung mới được bổ sung. Hàng hóa sẽ đa dạng và pháp lý vững vàng thì lúc đó nhà đầu tư sẽ yên tâm tìm hiểu và đầu tư vào sản phẩm mình ưa thích.
Vấn đề nữa mà ông Tuyển kiến nghị cần giải quyết là lãi suất. “Bài toán này khá nhức nhối nhưng trước sau gì cũng phải giải. Dẫu biết rằng việc giảm lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu mặt bằng lãi suất giảm xuống thêm 1-2% nữa, chắc chắn tiền từ ngân hàng sẽ chảy ra. Đó mới là dòng tiền lớn cứu rỗi thanh khoản của thị trường”, ông nói.
Từ đó, Chủ tịch BHS Group nhận định việc tháo gỡ pháp lý là vô cùng quan trọng và lâu dài. Lãi suất là trước mắt, còn giá cả hãy để cho cung cầu quyết định. “Lòng tin của hàng triệu khách hàng luôn mạnh hơn các nguồn lực khác. Họ cần pháp lý rõ ràng - lãi suất hạ - giá cả hấp dẫn”, ông nhấn mạnh.
Cần “ngòi nổ” để giúp thị trường đảo chiều
Đánh giá về tình trạng thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho rằng thị trường hiện tại tương tự như thời điểm khó khăn năm 2013 và cần “ngòi nổ” để giúp thị trường đảo chiều. Vào năm 2013, khi ngành bất động sản khủng hoảng, giao dịch đình trệ, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời gói kích thích 30.000 tỷ đồng được tung ra với lãi suất 5-6%/năm dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Những chính sách này đã giúp tạo lại thói quen giao dịch trên thị trường.
Ông Quốc Anh nhấn mạnh: “Hiện tại, thị trường cũng cần chính sách cụ thể, tác động trực tiếp vào người mua, bán bất động sản, ví dụ như gói hỗ trợ 70.000 đến 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 15-16% hoặc cao hơn”.
Ông cũng nhắc đến bài học từ Trung Quốc, sau thời gian thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách 16+ hay gói hỗ trợ 5 tỷ USD nhưng rất khó để kích thích thị trường khi người dân đã có tâm lý và thói quen e ngại giao dịch bất động sản.
Đối với những doanh nghiệp hiện đang gặp vấn đề về thanh khoản, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng cần có sự phân loại, chọn lọc những đơn vị tạo ra bất động sản tốt, kết quả tốt. Cơ quan quản lý vẫn nên để các doanh nghiệp này được phát hành trái phiếu bình thường, kèm theo đó là có sự phân loại trái phiếu, cần tình trạng tất cả đơn vị đều bị dừng phát hành trái phiếu.