Kỳ vọng trái cây xuất khẩu sang thị trường tỷ dân

Từ việc tổ chức Lễ hội trái cây năm 2023 và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, các nhà vườn kỳ vọng trái cây Long Khánh sẽ được du khách biết đến nhiều hơn, góp phần nâng tầm thương hiệu trái cây Đồng Nai.

Niềm vui nhà vườn mùa trái cây chín

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay có nhiều thị trường quốc tế đang mở “rộng cửa” cho trái cây Việt Nam. Điển hình, việc Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Đây là tín hiệu tốt, đặt nền tảng cho những kỳ vọng mới đối với trái cây Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Kỳ vọng trái cây xuất khẩu sang thị trường tỷ dân

Du khách đến thăm quan, thưởng thức trái cây ngay tại vườn ở TP Long Khánh

Có mặt tại TP Long Khánh (Đồng Nai), thời điểm này, địa bàn đang bước vụ thu hoạch với nhiều loại trái cây đặc sản nức tiếng như sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu. Trao đổi với phóng viên, chủ các nhà vườn cho biết, họ kỳ vọng trái cây Long Khánh sẽ được du khách biết đến nhiều hơn, góp phần nâng tầm thương hiệu trái cây Đồng Nai.

Tại xã Bình Lộc (TP Long Khánh) có hơn 1.700ha đất trồng được địa phương chú trọng phát triển vườn cây công nghiệp, ăn trái chất lượng cao như tiêu, mãng cầu, măng cụt, mít, chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt, chuối, ổi... Bình Lộc là một trong những địa phương của TP Long Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Ghi nhận dọc tuyến đường vào xã Bình Lộc có hàng trăm héc ta cây trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt đang vào mùa thu hoạch. Các vườn cây trái nối tiếp nhau dệt một màu xanh mướt. Trong các khu vườn, thương lái vào ra mua bán nhộn nhịp, nông dân miệt mài làm cỏ, dọn vườn, lựa những trái cây chín đỏ đem bán. Thoảng trong hương thơm của nhiều loại cây trái chín có nụ cười giòn tan của những người nông dân chân chất kỳ vọng vào một vụ thu hoạch cho thu nhập cao.

Ông Trần Văn Lộc (74 tuổi, ngụ xã Bình Lộc, TP Long Khánh) cho biết, nhà vườn liên kết với hơn 20 nhà vườn khác trong vùng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, ông đầu tư thêm một vườn cây đa năng vừa kết hợp tham quan vườn chôm chôm, sâu riêng, mãng cầu vừa có thêm các hoạt động trải nghiệm tắm suối thiên nhiên, câu cá, bơi thuyền trong ao, suối.

Không giấu được niềm vui, ông Lộc cho biết thêm, lúc trước thu nhập mỗi vườn khoảng 100 triệu/năm nhưng khi liên kết thành điểm du lịch có thể thu gần 180- 200 triệu đồng/năm, tùy chất lượng vườn. Dự kiến trong năm nay, hàng trăm nghìn lượt khách đến thăm quan, thưởng thức trái cây tại vườn, tăng khoảng 15- 20% so với mọi năm.

Kỳ vọng trái cây xuất khẩu sang thị trường tỷ dân

Sản xuất vùng trái cây kết hợp du lịch đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân TP Long Khánh

Tương tự, gia đình ông Trịnh Văn Thân (57 tuổi, ngụ phường Xuân Tân, TP Long Khánh) có 1ha trồng cây ăn trái. 2 tháng trở lại đây, nhà ông thu hoạch sầu riêng mỗi ngày vài trăm cân, có hôm vài tấn, thương lái vào mua tại vườn. Giá trung bình 52.000 - 54.000 đồng/kg cao hơn 20.000 đồng so với năm ngoái.

"Giá sầu riêng cao, ổn định nên bà con trong vùng rất phấn khởi. Hiện gia đình bắt đầu thu chôm chôm, trừ chi phí thuê nhân công, vốn đầu tư, phân bón, ước tính vụ trái cây này, gia đình thu về gần 100 triệu đồng”, ông Thân vui vẻ nói.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, hiện có hàng trăm hộ dân ở TP Long Khánh đang bỏ tiền đầu tư vào giống kết hợp các kỹ thuật canh tác phù hợp để có những khu vườn sạch sâu bệnh, cho năng suất cao, góp phần ổn định cuộc sống.

Hàng chục năm qua, những người nông dân cần cù, siêng năng lao động đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để có những miệt vườn xanh tốt với những đặc sản nức tiếng thơm ngon trên vùng đất này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động. Tỉnh phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Trái cây xuất khẩu kỳ vọng đạt "tỷ đô"

Về thị trường xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Văn Được (33 tuổi, ở phường Xuân Tân) cho biết: "Gia đình có 3 khu vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bơ, mít đang tất bật với công việc thu hái. Bẻ vài ki-lô-gam chôm chôm mời khách, anh Được chia sẻ, gia đình ngày nào cũng bán ít nhất vài trăm ki-lô-gam cây trái các loại.

Sầu riêng vừa vãn thu lại có chôm chôm bắt đầu vào vụ thu hái. Giá trái cây cao, nhất là sầu riêng hiện đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên người dân yên tâm sản xuất, không còn phập phồng lo lắng vì trái cây rớt giá như trước”.

Đặc biệt, ngày 16/6 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình lễ hội trái cây Long Khánh, tỉnh Đồng Nai xuất khẩu 20 container với 360 tấn sầu riêng (gồm giống Dona, Ri6) sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu: Tân Thanh, Hữu Nghị, Móng Cái. Dự kiến trong năm 2023, Đồng Nai sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc.

Trước việc xuất khẩu sầu riêng trên, nhiều nhà vườn kỳ vọng trái cây xuất khẩu đạt "tỷ đô" tại thị trường tỷ dân.

Kỳ vọng trái cây xuất khẩu sang thị trường tỷ dân

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, để trái sầu riêng trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực, Đồng Nai mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và trái sầu riêng ngày càng vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương, UBND TP và các huyện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ngành Nông nghiệp được tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư phát triển, đạt những thành tựu nổi bật trong xây dựng Nông thôn mới. Tỉnh đã phát triển sản xuất và có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thực hiện tốt xây dựng các vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu, đặc biệt là trái sầu riêng.

Theo ông Hoàng Trung, Đồng Nai cần quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng trên thị trường quốc tế, minh bạch về chất lượng sản phẩm. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành với tỉnh trong phát triển sản xuất đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 140 vùng trồng với diện tích gần là 27.000ha (chuối, xoài, mít, thanh long, chôm chôm, chanh) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc và New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng, gồm: 11 vùng trồng sầu riêng, diện tích 820ha; 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9 ngàn ha; 22 vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 6,9 ngàn ha; 30 vùng trồng chuối, diện tích 5,6 ngàn ha; 13 vùng trồng mít với diện tích 2,2 ngàn ha và 9 vùng trồng thanh long diện tích 728ha.

Tiềm năng lớn từ sầu riêng Đồng Nai

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho biết, sầu riêng Đồng Nai đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 820ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh hiện có 61 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 2.000ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.

Lượt xem: 6
Tác giả: Đại Ngàn
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật