FED công bố dự thảo yêu cầu mới về tăng vốn ngân hàng theo hướng thu hẹp quy mô tăng vốn

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiết lộ kế hoạch sẽ thu hẹp đề xuất về yêu cầu tăng vốn với mức độ lớn đối với các ngân hàng sau khi các chính trị gia và khu vực ngân hàng quốc gia này không đồng thuận với kế hoạch ban đầu, cảnh báo rằng đề xuất đó có thể hạn chế cho vay và gây tổn hại cho nền kinh tế.

Theo đề xuất mới, yêu cầu mức tăng vốn cho các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase (JPM) và Bank of America (BAC) là 9%, giảm một nửa so với kế hoạch ban đầu hơn một năm trước là tăng vốn khoảng 19% cho các định chế đó.

Các ngân hàng có tài sản từ 100 đến 250 tỷ USD, theo kế hoạch ban đầu phải tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe hơn dành cho các ngân hàng lớn nhất, cũng sẽ không còn phải chịu mức tăng nữa, ngoại trừ yêu cầu ghi nhận các khoản lãi và lỗ chưa thực hiện của danh mục chứng khoán của mình vào vốn pháp định. Đây là một sự thay đổi lớn sau khi xảy ra chuỗi sụp đổ năm ngoái của một số ngân hàng khu vực, khởi đầu là ngân hàng Thung lũng Silicon.

“Vốn cũng có chi phí,” Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của FED, ông Michael Barr cho biết ngày 10/9 tại một sự kiện ở Washington do Viện Brookings tổ chức. “So với nợ, vốn là nguồn tiền đắt đỏ hơn đối với ngân hàng. Do đó, yêu cầu về vốn cao hơn có thể làm tăng chi phí huy động vốn cho ngân hàng và ngân hàng có thể chuyển phần chi phí cao hơn sang các hộ gia đình, doanh nghiệp và khách hàng tham gia các hoạt động tài chính.”

Phiên bản mới của kế hoạch này, được gọi là Basel III Endgame, được đưa ra sau nhiều tháng dự đoán sau khi Chủ tịch FED, ông Jay Powell cho biết từ hồi tháng 3 rằng ngân hàng trung ương đã theo đuổi “những thay đổi lớn về cơ bản” đối với đề xuất ban đầu và đang tìm cách đảm bảo sự đồng thuận từ Hội đồng dự trữ liên bang.

Trong kế hoạch ban đầu đưa ra cách đây hơn một năm, kế hoạch vốn đã vấp phải sự bất đồng và chia rẽ ngay lập tức giữa các quan chức FED, những người đặt câu hỏi liệu các yêu cầu tăng vốn ở quy mô như dự thảo có thể gây hại nhiều hơn cho nền kinh tế hơn là có lợi hay không.

Thống đốc Fed Michelle Bowman lập luận rằng kế hoạch này cần có "những thay đổi đáng kể" và việc tăng yêu cầu về vốn ở quy mô do cơ quan quản lý đề xuất có thể gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế. Thống đốc FED Chris Waller cũng cho rằng kế hoạch này cần một cuộc đại tu lớn.

Phó Chủ tịch Barr cho biết những thay đổi này phản ánh những phản hồi mà FED nhận được từ công chúng và cải thiện việc phân cấp đề xuất theo nhiều cấp độ cũng như phản ánh rủi ro tốt hơn. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh, các kế hoạch mới còn lâu mới có kết quả cuối cùng và FED cùng với Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ và Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) “chưa đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ khía cạnh nào của các đề xuất lần 2 này, kể cả những đề xuất không được đề cập rõ ràng trong đề xuất mới”.

Thời gian lấy ý kiến, ban đầu được ấn định vào ngày 30/11 năm ngoái sau khi được đề xuất vào tháng 7/2023, đã được kéo dài đến tháng 1/2024 sau khi các ngân hàng gửi thư cho FED liệt kê nhiều vấn đề mà họ gặp phải với các quy định này cùng với nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ.

Trong số những mối quan tâm hàng đầu đặt ra: các yêu cầu về vốn do FED đề xuất sẽ khiến chi phí của một số hoạt động ngân hàng, từ cho vay thế chấp nhà ở và cho vay doanh nghiệp nhỏ đến giao dịch trở nên đắt đỏ hơn với những quy định như vậy có khả năng đẩy chi phí cao hơn vào hoạt động kinh tế.

Giám đốc điều hành JPMorgan, ông Jamie Dimon thậm chí còn lập luận rằng kế hoạch vốn này có thể khiến lạm phát tăng lên thông qua yêu cầu tăng vốn để phòng ngừa rủi ro, điều này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn cho mọi thứ, từ lon soda đến các sản phẩm thịt.

Những thay đổi được đề xuất theo công bố mới nhất là một phần trong nỗ lực của các cơ quan quản lý ngân hàng nhằm tuân theo hiệp định Basel III do Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel phát triển nhưng là phiên bản Mỹ.

Mục tiêu của Ủy ban Basel là thiết lập các tiêu chuẩn vốn pháp định toàn cầu để các ngân hàng có đủ dự trữ để bù đắp những tổn thất không lường trước và sống sót qua khủng hoảng.

Các cơ quan quản lý ngân hàng ở Mỹ, Anh và châu Âu bắt đầu triển khai phiên bản mới nhất của Basel sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009. Phiên bản này đã được thống nhất triển khai vào năm 2017, nhưng ở Mỹ, phiên bản này đã bị trì hoãn áp dụng do đại dịch COVID-19.

Châu Âu và Anh đều đã tiến tới việc áp dụng mức tăng vốn đệm ở mức một con số và hiện đang trong giai đoạn thực hiện.

Phó Chủ tịch Bar cũng cho biết, FED đang xem xét các cuộc kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng lớn, một thước đo khác về cách các cơ quan quản lý thiết lập đệm vốn ngân hàng trong trường hợp có những cú sốc thị trường nghiêm trọng.

Mặc dù kế hoạch sửa đổi này có thể chưa phải là cuối cùng nhưng chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với thu nhập chung của ngân hàng và số tiền mà các tổ chức tài chính ngân hàng có thể trả lại cho các cổ đông.

Tin liên quan