Đợt bùng nổ đầu tiên của bất động sản Việt Nam: Thời kỳ trăm hoa

Sau bước chạy đà đầu thập niên 90, thị trường bất động sản Việt Nam đã tiến vào giai đoạn bùng nổ đầu tiên, kéo dài trong khoảng 10 năm. Trong 10 năm ấy, hàng nghìn dự án đã được khai sinh, hàng trăm doanh nghiệp đã vươn mình mạnh mẽ, tạo tiền đề để trở thành “gã khổng lồ” trong tương lai.

Những người thức thời

Không phải đợi đến thiên niên kỷ mới, những ông chủ tư nhân mới nhảy vào cuộc chơi bất động sản tại Việt Nam. Trên thực tế, từ đầu thập niên 90, cùng với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước (HUD, Vinaconex, Constrexim, Udic, Handico, DIC Corp, Becamex…) thị trường bất động sản cũng đã ghi nhận những “tay chơi” tư nhân máu mặt, ví như Tăng Minh Phụng, Lê Văn Kiểm. Đường đời của hai “kỳ nhân” này – một lên đỉnh cao, một về vực sâu - về sau đã trở thành những giai thoại kinh điển, thậm chí có thể viết thành sách, dựng thành phim.

Nhưng để nói về một sự đầu tư bài bản tương tự như các doanh nghiệp nhà nước, phải tới cuối thập niên 90, giới tư nhân mới có thể làm được. Đó là thời kỳ chứng kiến sự ra đời và/hoặc phát triển nhanh chóng của: Tuần Châu, Nam Cường, Tân Tạo, TNG Holdings, Mường Thanh, Nam Long, Vạn Phúc… gắn liền với tên tuổi của những doanh nhân: Đào Hồng Tuyển, Trần Văn Cường, Đặng Hoàng Yến, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Lê Thanh Thản, Nguyễn Xuân Quang…

Xuất phát rất sớm nên không ngạc nhiên khi trong sơ kỳ của thị trường bất động sản, những doanh nghiệp kể trên đã bứt lên rất nhanh, trở thành “ông lớn” trong nhóm tư nhân, ngõ hầu đua tranh với các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường địa ốc.

Song hành với những chuyển biến của khối tư nhân, cuối thập niên 90 cũng là thời kỳ mà sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài như Sumitomo, Sembcorp, Keppel Land, CapitaLand, Daewoo, Ciputra, Central Trading & Development hay Kings Harmony Int’LTD… trở nên rõ nét hơn, với sự ra đời của những dự án được xem như biểu tượng lúc bấy giờ: khu đô thị Ciputra, khách sạn Daewoo (Hà Nội), khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Thuận Kiều Plaza (TP. HCM)…

Có thể nói, tới cuối thập niên 90, thị trường bất động sản Việt Nam đã hình thành khung nền cơ bản, với những nét phác thảo chính, tạo nền tảng cho sự bùng nổ trong các năm tiếp theo.

Một thời đại mới ra đời

Sự phát triển mạnh mẽ của đầu tư tư nhân đã tạo ra một cuộc chuyển biến mang tính cách mạng trên thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, nếu như thập niên 90 của thế kỷ XX ghi nhận sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước thì sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, vị trí này đã được chuyển sang tay của các doanh nghiệp tư nhân.

Với những đột phá ban đầu như đã nêu trên và vượt qua những trục trặc của thị trường cuối thập niên 90, bước sang đầu những năm 2000, khối tư nhân đã ồ ạt đầu tư vào địa ốc, lập ra hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ, hoạt động trong hầu hết các phân khúc, từ chung cư, đất nền, nhà thấp tầng, khách sạn, văn phòng, mặt bằng bán lẻ, bất động sản công nghiệp, bất động sản golf... trên cả hai khía cạnh chủ đầu tư và cung ứng dịch vụ bất động sản.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ của khối tư nhân không chỉ diễn ra tại các thị trường lớn như Hà Nội. TP. HCM mà còn lan về các tỉnh, góp phần quan trọng tạo lập nên thị trường bất động sản ban sơ ở các địa phương này.

Vinpearl Resort & Spa Nha Trang Bay

Lịch sử đầu những năm 2000 đã ghi dấu sự ra đời hoặc tham dự vào thị trường địa ốc của một loạt doanh nghiệp tư nhân mà sau này đã hóa thành “ông lớn” như: Khang Điền (thành lập 2001), CEO Group (thành lập 2001), Hoàng Anh Gia Lai Land (thành lập năm 2002), Tổng công ty Kinh Bắc (thành lập năm 2002), Hưng Thịnh Land (thành lập 2002), Đất Xanh (thành lập năm 2003), Phát Đạt (thành lập năm 2004)…

Đó cũng là giai đoạn mà một người về từ Nga, ông Nguyễn Đức Chi, triển khai dự án nghỉ dưỡng nổi danh Rusalka (Nàng Tiên Cá) tại Nha Trang, Khánh Hòa (năm 2000) để rồi sau đó ít năm, một người về từ Đông Âu khác, ông Phạm Nhật Vượng, đã ghi dấu ấn đầu tiên của mình lên bản đồ bất động sản Việt Nam bằng 2 dự án đình đám: Vincom Bà Triệu (Hà Nội) và Vinpearl Hòn Tre (Nha Trang, Khánh Hòa) trong cùng năm 2003.

Trải qua năm 2003 với sự ra đời của Luật Đất đai, được bổ sung tiếp nối bởi Luật Xây dựng 2004, Luật Nhà ở 2005, sự đầu tư của khối tư nhân vào bất động sản càng được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là từ năm 2005, khi nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim với GDP tăng trưởng đạt ngưỡng 8%, tín dụng được bơm ào ạt lên tới hàng chục %/năm (đạt đỉnh 54% năm 2007), hội nhập quốc tế trở nên sâu rộng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thị trường chứng khoán thăng hoa rực rỡ…

Giai đoạn này đã chứng kiến bước nhảy đầy ấn tượng của Sovico Holdings (thâu tóm Furama Resort Đà Nẵng và triển khai Dragon City cùng năm 2005), Hodeco (xây tòa chung cư cao tầng đầu tiên tại Bà Rịa Vũng Tàu năm 2005), Văn Phú - Invest (triển khai khu đô thị Văn Phú năm 2006), CEO Group (triển khai CEO Tower năm 2007), Sun Group (triển khai dự án đầu tiên - Sun World Bà Nà Hill năm 2007), Him Lam (triển khai dự án Him Lam Tân Hưng năm 2007), Bitexco (triển khai dự án The Manor năm 2007), Novaland (triển khai Sunrise City năm 2008) hay sự gia nhập của An Gia (2006), T&T Group (2007)…

Đáng chú ý, không chỉ những doanh nghiệp chuyên môn, cơn sốt đầu tư bất động sản cũng lôi kéo hàng loạt doanh nghiêp ở các ngành nghề khác lao vào, bao gồm cả những doanh nghiệp nhà nước có chủ trương kinh doanh đa ngành, hình thành một cuộc đua “cháy bánh” chưa từng có ở giai đoạn trước đó.

Cơn hưng phấn tột đỉnh, đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường đã đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp bất động sản, góp phần quan trọng đưa các ông chủ địa ốc tư nhân như: Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Phạm Nhật Vượng… tiến thẳng lên tốp đầu những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây chính là những năm đỉnh cao của thị trường bất động sản Việt Nam từ sau năm 2000.

Song song với cuộc chơi náo nhiệt của khối nội, các doanh nghiệp nước ngoài cũng hoạt động rất tích cực trên thị trường bất động sản Việt Nam. Điển hình, năm 2002, Keppel Land đã có dự án nhà ở đầu tiên mang tên Villa Rivera tại TP. HCM.

5 năm sau đó, CapitaLand “trình làng” dự án cao cấp The Vista – An Phú, tạo nên một hiện tượng bán hàng ở TP. HCM sau hơn 13 năm hiện diện tại Việt Nam, kể từ dự án Somerset West Lake – Hà Nội. Trong cùng năm 2007, cái tên Gamuda đã lần đầu xuất hiện, còn Keangnam khởi công dự án tòa tháp Landmark 72 cao nhất Việt Nam tại phía tây Hà Nội.

Tất cả những diễn biến nêu trên đã tạo nên một giai đoạn “đáng nhớ” bậc nhất trong lịch sử thị trường bất động sản Việt Nam, dù cho sự vàng son này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi. Tới năm 2008, thị trường đã đảo chiều rất nhanh do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng như những quyết sách chưa hợp lý của nhà điều hành, mở ra một chương đen tối kéo dài ngót 5 năm…

Nhớ lại buổi ban sơ của thị trường bất động sản

Hàng nghìn dự án, hàng vạn tòa cao ốc, hàng trăm nghìn căn hộ đang là diện mạo của thị trường bất động sản hôm nay – một thị trường từ 2020 đã có quy mô vượt quá 200 tỷ USD và được dự báo sẽ đạt khoảng 1.230 tỷ USD vào năm 2030. Nhưng trước khi có được những con số ấn tượng nêu trên, thị trường bất động sản Việt Nam đã từng “không có gì”. Đó là chuyện của hơn 30 năm trước.

Lượt xem: 19
Tác giả: Ái Châu Tử
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật