Dòng tiền dịch chuyển trên thị trường chứng khoán
Sau phiên giảm mạnh tuần trước, VN-Index giao dịch lình xình với các phiên tăng giảm đan xen, dòng tiền bỗng “kém nhiệt tình” khiến thanh khoản bất ngờ xuống thấp đột ngột. Trong khi đó, thị trường chứng khoán phái sinh lại đang cho thấy sự sôi động trở lại.
Theo quan sát, trước khi có 2 phiên điều chỉnh cuối tuần qua, dòng tiền nội đã giúp giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động, thanh khoản trên 3 sàn gần đây đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên.
Tiền chảy mạnh qua phái sinh
Mặc dù trong những phiên giảm sau đó, thanh khoản thị trường vẫn duy trì trên ngưỡng khá cao, song tới phiên 23/8, thanh khoản lại bất ngờ thấp đột ngột. Cụ thể, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt hơn 747 triệu cổ phiếu, thấp hơn 30% so với mức trung bình 20 phiên, tương đương giá trị 17.178 tỷ đồng; HNX-Index chỉ đạt 71,5 triệu cổ phiếu, thấp hơn 40% so với mức trung bình 20 phiên, tương đương giá trị 1.200 tỷ đồng. Tính chung, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chưa đầy 19.200 tỷ đồng.
Tới phiên tiếp theo, dòng tiền vẫn chưa cho thấy sự nhiệt tình trở lại khi thanh khoản toàn thị trường giảm so với phiên trước đó, ở mức hơn 18.400 tỷ đồng.
Thanh khoản trên thị trường cơ sở thấp đột ngột, trong khi thị trường phái sinh sôi động trở lại. (Ảnh: Int) |
Giới phân tích đánh giá, dòng tiền chính chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua không đến từ các tài khoản mở mới, mà là từ những nhà đầu tư ở lại với thị trường sau năm 2022 giảm khốc liệt.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư có kinh nghiệm không rời bỏ TTCK mà chỉ chờ cơ hội để lựa tìm kiếm cơ hội sinh lời cho tài khoản của mình.
Tuy nhiên, sau phiên lao dốc 18/8 và các phiên biến động mạnh trong những phiên gần đây, nhà đầu tư đã bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều trên thị trường cơ sở. Tâm lý lo sợ bắt phải "dao rơi" tiếp tục được duy trì khi không ai muốn tham gia bắt đáy, mà chủ yếu là lực mua nhỏ giọt ở mức giá thấp với mục đích thăm dò hoặc quân bình giá là chủ yếu.
Mặt khác, bên nắm giữ hàng cũng không muốn đẩy ra quá mạnh, chủ yếu đợi các nhịp hồi mới ra hàng, nên thị trường dần rơi vào ảm đạm. Kéo theo đó, VN-Index đã bất ngờ giảm điểm với thanh khoản sụt giảm, xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Trong khi đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) lại sôi động trở lại. Nhìn lại lịch sử giao dịch có thể thấy, từ tháng 5 đến giữa tháng 8, khi thị trường cơ sở tăng điểm mạnh, thanh khoản trên TTCKPS khá thấp, nhưng kể từ phiên lao dốc lịch sử 18/8 tới nay, thanh khoản trên thị trường này tăng mạnh với giá trị lần lượt là 34.570,8 tỷ đồng (18/8), 35.471,5 tỷ đồng (21/8), 47.802,4 tỷ đồng (22/8) và 42.597,3 tỷ đồng (23/8).
Là một nhà đầu tư thâm niên trên thị trường, chị Thùy Linh (Hà Nội) cho biết, trong phiên thị trường giảm mạnh ngày 18/8, chị đã chuyển qua sàn phái sinh.
“Thị trường tăng mạnh nên điều chỉnh là điều không quá bất ngờ. Ngay khi nhận thấy thị trường bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh, tôi đã chuyển qua chơi phái sinh. Khi nào thị trường cơ sở ổn định thì lại tiếp tục trở lại tìm kiếm cơ hội”, chị Linh chia sẻ với VnBusiness.
Hấp dẫn nhưng vẫn nên thận trọng
Có thể nói, TTCKPS đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này phần nào thể hiện qua việc khi thị trường cơ sở biến động mạnh, thì khối lượng giao dịch trên TTCKPS cao, cho dù biến động đó là tăng hay giảm.
Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, TTCKPS còn góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở vì khi thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư thay vì phải bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở để quản trị rủi ro danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán (short) trên TTCKPS. Điều đó giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, làm cho thị trường cân bằng hơn, góp phần hạn chế đà sụt giảm của chỉ số thị trường cơ sở.
Cụ thể, trong giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của cuối đại dịch COVID-19 năm 2022, thanh khoản TTCKPS (Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 43,8% so với năm 2021.
Bên cạnh vai trò phòng vệ rủi ro, TTCKPS còn là kênh đầu tư sinh lời cho nhà đầu tư. Với việc được giao dịch 2 chiều và có thể mua, bán liên tục ngay trong phiên, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm mạnh, cơ hội kiếm lời trên thị trường này không còn, nhà đầu tư sẽ có thêm cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên TTCKPS. TTCKPS là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại TTCK, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Nhìn chung, những ưu điểm trên tạo nên sự hấp dẫn to lớn của TTCKPS với nhà đầu tư. Nhưng bên cạnh ưu điểm, thị trường này cũng có những hạn chế mà nếu không hiểu rõ chúng, nhà đầu tư rất dễ thua lỗ.
Trước hết, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ lớn nếu diễn biến thị trường không đúng như dự đoán hay kỳ vọng. Đặc biệt với chiến lược đầu cơ, mức độ thua lỗ sẽ lớn hơn rất nhiều so với số vốn ban đầu.
Bên cạnh đó, tham gia thị trường này, nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính ổn định để sẵn sàng ký quỹ bổ sung. Lãi/lỗ sẽ được kết toán hàng ngày, nhà đầu tư phải kịp thời ký quỹ bổ sung ngay khi tài khoản ký quỹ xuống thấp hơn mức duy trì, nếu không vị thế sẽ bị đóng và nhà đầu tư sẽ phải chịu thua lỗ.
Tóm lại, đầu tư CKPS sẽ hiệu quả nếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính ổn định, lớn mạnh, có thể huy động thêm vốn kịp thời bất cứ lúc nào. Cùng với đó, nhà đầu tư phải có kiến thức vững vàng, hiểu biết thị trường để đưa ra những phán đoán, kế hoạch đầu tư hiệu quả.
Nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng những điều này, nhà đầu tư không nên nóng vội tham gia thị trường mà nên học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm CKPS trước để tránh bị thua lỗ lớn.
“Nhà đầu tư mất hết lợi nhuận, thua lỗ với CKPS chủ yếu do 2 sai lầm chính, đó là không hiểu quy luật vận động của thị trường và tham lam. Muốn đầu tư CKPS có lãi, nhà đầu tư cần biết cách quản lý cảm xúc cá nhân để không bị tác động bởi biến động thị trường, nắm được các nguyên tắc và quy tắc đầu tư đề bảo toàn lãi của mình”, một chuyên gia cho hay.
Hải Giang