Dòng tiền chảy vào BĐS: Đất nền sôi động trở lại, chung cư tăng giá từng ngày

Sốt ruột giá căn hộ tăng từng ngày: Vẫn chưa 'ngáo' giá, đừng vội bán sớm; 'Bom nổ chậm' 2024: 130.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn, cao nhất 5 năm qua; Cocobay đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách, Đà Nẵng chưa có báo cáo; Sốt ở phía Tây Hà Nội: Khách bỏ 200 tỷ mua 6 biệt thự, sàn thanh khoản 1.000 tỷ/tuần... là những thông tin về thị trường được quan tâm trong tuần.

Sốt ruột giá căn hộ tăng từng ngày: Vẫn chưa 'ngáo' giá, đừng vội bán sớm

Kể từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều môi giới liên tục gọi điện các chủ căn hộ để hỏi mua với mức giá tăng theo ngày. Giá được nhiều người cho là lên mức vô lý nhưng một chuyên gia lại cho rằng chung cư Hà Nội chưa “ngáo giá”, sự tăng giá này đang phần nào phản ánh quan hệ cung - cầu. Và lời khuyên từ vị chuyên gia là nếu không cần tiền gấp, chưa nên vội bán căn hộ.

Dữ liệu mới nhất từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, nhiều người mua, bán và các môi giới bất động sản cũng nhận xét giá chung cư Hà Nội đang “leo thang”. Không ít dự án có mức tăng giá trên 20% chỉ sau 1 năm.

Trong danh sách các dự án chung cư chứng kiến giá rao bán tăng mạnh tại Hà Nội vừa qua, có nhiều cái tên đáng chú ý như: Royal City, The Pride, khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà – Sudico, Sun Grand City có giá tăng 33%; Mipec Rubik 360 và Vinhomes West Point tăng 28%, hay như chung cư Đại Thanh tăng 27%, Seasons Avenue tăng 26%, theo dữ liệu lịch sử giá của Batdongsan.com.vn. (Xem thêm)

Sốt ở phía Tây Hà Nội: Khách bỏ 200 tỷ mua 6 biệt thự, sàn thanh khoản 1.000 tỷ/tuần

Theo ghi nhận của PV, đầu tháng 3/2024, sau khi chung cư tăng giá liên tiếp, các phân khúc biệt thự cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

Tại dự án Solasta Mansion của chủ đầu tư Nam Cường. Anh Khắc Đạt, môi giới thuộc một sàn BĐS đang triển khai bán hàng dự án cho hay, dự án đang rất hot ở phía Tây Hà Nội, các nhà đầu tư tìm đến tìm hiểu dự án ngày một tăng. Sau khi có thông tin về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội phải cơ bản hoàn thành vào năm 2026, và thông xe toàn tuyến đường Lê Quang Đạo,lượng khách hàng lại tìm đến ngày càng nhiều.

“Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ đầu tháng 3/2024, riêng sàn bất động sản bên em đã bán được gần 30 căn với khoảng 1,000 tỷ đồng tiền hàng được thanh khoản. Khách xem và đặt cọc xuống tiền rất nhanh”, anh Đạt chia sẻ thêm. (Xem thêm)

Đón dòng tiền lớn đổ vào thị trường, nhà đất chờ bùng nổ cuối 2024

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, thị trường khởi sắc nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thị trường BĐS với một quyết tâm lớn nhằm “phá băng”, phục hồi thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững. Một trong những triển vọng tươi sáng cho đến thời điểm này là chính sách tiền tệ nới lỏng hơn đã khuyến khích dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư thay vì chỉ gửi tiết kiệm.

“Khi thị trường chứng khoán khởi sắc hơn, thanh khoản tăng trở lại và tiếp tục vận động theo diễn biến này thì chỉ trong một thời gian ngắn, dòng tiền sẽ bắt đầu có xu hướng chốt lời ở thị trường chứng khoán và “chảy” vào thị trường BĐS. Sự dịch chuyển của dòng tiền như vậy sẽ đem lại kỳ vọng vào việc gia tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS, tạo bước đệm để ghi nhận sự khởi sắc, dần phục hồi trở lại trong năm 2024”, TS. Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn quá mặn mà với việc gửi tiết kiệm. Thay vào đó, họ sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn, trong đó có việc đầu tư mua BĐS hoặc đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Theo nhận định của một số nhà đầu tư lâu năm, từ đầu năm 2024, thị trường sẽ đón lượng lớn dòng tiền đổ vào BĐS với kỳ vọng đây sẽ là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận sinh lời tốt, ổn định. Cần tận dụng khoảng thời gian này để “xuống” tiền với các ưu đãi khủng từ các nhà đầu tư để nắm bắt cơ hội trước khi thị trường tăng giá trở lại. (Xem thêm)

Đà Nẵng: Môi giới bỏ nghề, loạt văn phòng nhà đất đóng cửa chưa hẹn ngày mở lại

Thị trường bất động sản Đà Nẵng được nhận định đang có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các ki-ốt, văn phòng môi giới bất động sản vẫn trong tình trạng đóng cửa im lìm kéo dài. Đa số môi giới nhà đất đã nghỉ việc hoặc chuyển nghề chờ cơ hội mới.

Chị Nguyễn Thị Hường, một môi giới có ki-ốt trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài cho biết, chị đóng cửa ki-ốt đã một năm nay và mới mở được 2 tuần. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giao dịch nào. Theo chị Hường, thời gian qua, rất nhiều môi giới bỏ nghề vì thị trường quá khó khăn và đến nay nhiều ki-ốt, văn phòng môi giới vẫn chưa hoạt động trở lại.

Trên đường Nguyễn Phước Lan (quận Cẩm Lệ) nhiều văn phòng môi giới bất động sản cũng trong tình trạng khóa trái cửa. (Xem thêm)

Cocobay đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách, Đà Nẵng chưa có báo cáo

Chiều 20/3, ông Lê Văn Tuấn – Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sở chưa nhận được thông báo từ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng liên quan đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng tại dự án này.

Ông Tuấn cho biết thêm, đối với dự án này, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã cho phép chủ đầu tư được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư đã hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các khách hàng cá nhân.

Theo quy định, hàng quý, chủ đầu tư phải báo cáo kết quả thực hiện. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng chưa nhận được báo cáo của chủ đầu tư về việc này.

“Hợp đồng mang ý nghĩa tính chất dân sự giữa hai bên trên cơ sở các quy định của pháp luật. Việc tranh chấp hợp đồng này là giữa chủ đầu tư và khách hàng liên quan. Trường hợp có những nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Sở Xây dựng sẽ tham gia”, ông Tuấn nói. (Xem thêm)

'Bom nổ chậm' 2024: 130.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn, cao nhất 5 năm qua

Nhóm nghiên cứu VIS Rating chỉ ra doanh số bán hàng và dòng tiền của chủ đầu tư sẽ được cải thiện, đặc biệt đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở giá hợp lý ở các thành phố lớn. "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng trong giao dịch nhà ở tại các thành phố lớn kể từ quý IV/2023 sẽ tiếp tục trong năm 2024, trong khi nhu cầu đối với các phân khúc có tính đầu cơ như bất động sản siêu sang hoặc bất động sản chỉ để đầu tư sẽ vẫn ở mức thấp. Trong số các chủ đầu tư lớn, chúng tôi kỳ vọng Vinhomes, Nam Long và Khang Điền sẽ ghi nhận doanh số bán hàng tốt trong năm 2024 nhờ có nhiều dự án nhà ở tại các thành phố lớn hướng đến các hộ gia đình mới", báo cáo nêu.

Cũng theo VIS Rating, khả năng trả nợ vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024. Tỷ lệ Nợ/EBITDA của ngành đã tăng lên 8,7 lần trong năm 2023 từ mức 7 lần trước đó do tốc độ tăng trưởng nợ vượt quá tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2024 – mức cao nhất trong 5 năm qua. Các chủ đầu tư vướng vấn đề pháp lý và/hoặc thực hiện các dự án có tính đầu cơ sẽ gặp rủi ro chậm trả gốc, lãi trái phiếu và dòng tiền yếu, do đó, cần tái cấp vốn nhiều nhất. (Xem thêm)

Lượt xem: 4