Cổ phiếu ô tô có thêm lực đẩy nhờ doanh số hồi phục

Sau khi mở cửa trở lại trong quý 4/2021, doanh số ô tô đã có sự hồi phục mạnh, mang lại triển vọng mới cho ngành ô tô cũng như cổ phiếu ô tô trong năm 2022.

Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 12/2021, cả nước nhập khẩu 15.196 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch 432,65 triệu USD. Lũy kế cả năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 160.035 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch 3,66 tỷ USD, tăng 52,1% về lượng và tăng 55,7% về kim ngạch so với năm 2020.

Như vậy, so với các năm trước, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu năm 2021 cao kỷ lục, tăng gấp rưỡi so với năm 2020 (105.000 xe) và vượt năm có lượng nhập kỷ lục trước đó là năm 2019 (139.400 xe).

O-to-nhap-khau-5192-1642410774.jpg

Năm 2021, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu cao kỷ lục. (Ảnh: Int)

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt chip kéo dài đã tác động “bất ngờ” đến ngành ô tô. Theo ước tính của Hiệp hội Linh kiện điện tử thế giới (ECIA), thời gian hoàn thành cho một đơn đặt hàng linh kiện chip ô tô ở thời điểm tháng 12/2021 đã kéo dài tới 5 tháng (gần 22 tuần), gấp đôi thời gian đặt hàng bình thường trước dịch Covid-19 do vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu. Theo đó, nhiễu hãng xe đã phải cắt giảm 5%-10% sản lượng sản xuất, hoặc tạm hoãn ra mắt các mẫu xe mới khiến doanh số giảm.

Tuy nhiên, nhiều công ty ô tô lại có lợi nhuận tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận ròng toàn cầu của các hãng xe Honda, Ford, và Toyota tăng 129%, 480% và 102% do nguồn cung ô tô giảm, cạnh tranh về giá giảm nhờ nhu cầu ô tô thế giới hồi phục tích cực. Điều này cho thấy, tác động của thiếu hụt chip ở mức vừa phải đang giúp các công ty sản xuất ô tô tăng mạnh lợi nhuận trong ngắn hạn.

Đồng thời, nhờ chuyển sang kênh bán hàng online và giảm mạnh chi phí lãi vay đã cắt giảm đáng kể các chi phí hoạt động giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ô tô có sự cải thiện. Năm 2021, lợi nhuận ròng các công ty ô tô niêm yết vẫn tăng 6%.

Cùng với đó, nhu cầu xe máy vẫn trong tình trạng bão hòa. Tổng doanh số bán xe máy trong năm 2021 ước tính đạt 2,46 triệu chiếc (giảm 8%), chỉ bằng 76% doanh số trước dịch Covid-19 do tỷ lệ sở hữu xe máy đã rất cao ở Việt Nam.

Đặc biệt, sự phục hồi của thị trường được hỗ trợ bởi Thông tư 103 /2021/ND-CP của Chính phủ, giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 1/12/2021.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành ô tô ghi nhận tăng trung bình 7,4% trong năm 2021. Trong đó, cổ phiếu HAX (CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh) tăng 105%, cổ phiếu SVC (CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn) tăng 93%, cổ phiếu VEA (Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) tăng 2%…

Theo một số chuyên gia, mặc dù cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành ô tô tăng trưởng khá tốt trong năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn 26% so với mức tăng của VN-Index. PE trung bình năm 2021 là 10,2x, tương tự năm 2020, nên định giá của hầu hết các công ty ô tô niêm yết không thay đổi nhiều. Vì vậy, dư địa phát triển cho năm 2022 là còn rất lớn.

Năm 2021, VinFast ra mắt mẫu xe điện e34 đầu tiên được lắp ráp trong nước và bắt đầu đầu tư mạnh vào trạm sạc điện với ước tính khoảng 2.000 trạm sạc điện (40.000 điểm sạc) trên khắp Việt Nam. Điều này mở ra xu hướng xe điện mới tại Việt Nam có thể thay đổi đáng kể thị trường ô tô trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng.

Đồng thời, VinFast sẽ dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022 để tập trung vào xe điện, tạo cơ hội và giảm bớt đáng kể áp lực cạnh tranh giảm giá đối với các hãng xe khác do xe xăng của VinFast chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước

Theo dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng xe sản xuất trên toàn cầu sẽ ước tính giảm trung bình 4% trong 2022, do tình trạng thiếu cung chip dự kiến tiếp diễn đến cho đến nửa cuối năm 2022. Do đó, lợi nhuận các công ty ô tô có thể đạt tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể trở thành rủi ro nếu tình hình thiếu chip trở nên nghiêm trọng hơn và mức giảm doanh thu có thể lớn hơn mức tăng lợi nhuận do thiếu cung ô tô.

Bên cạnh đó, những chính sách mạnh mẽ sẽ làm động lực để sức cầu bật tăng, giúp ngành công nghiệp ô tô đột phá trong năm 2022.

Cụ thể, tại kỳ họp Quốc hội bất thường đầu năm nay, Quốc Hội đã phê duyệt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe thuần điện. Riêng dòng xe thuần điện dưới 9 chỗ được cắt giảm mạnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt, từ mức 15% hiện hành xuống còn 3%, áp dụng từ ngày 1/3 tới trong thời hạn 5 năm. Đồng thời, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ, theo đó mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện chạy pin từ 1-3 là 0%, thời gian áp dụng 3 năm.

Hiện tại, triển vọng ngắn hạn của các công ty ô tô vẫn còn chưa ổn định do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vaccine mũi 2 tính đến cuối năm 2021, và các biến thể Covid mới có khả năng sẽ ít gây rủi ro tới sức khỏe hơn, tác động từ việc giãn cách xã hội sẽ ít nghiêm trọng hơn năm 2021.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research ước tính, nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% trong năm 2022. Thời điểm ghi nhận tăng trưởng cao có thể đến từ nửa cuối năm 2022 khi doanh số bán xe trong ngành sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn, cộng với mức nền so sánh thấp trong quý 3/2021 sẽ là động lực ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.

“Định giá hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Với câu chuyện tăng trưởng trong 2022, chúng tôi cho rằng ngành ô tô có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, lợi nhuận ngành hồi phục sau 2 năm ảm đạm có thể hỗ trợ tâm lý thị trường mạnh mẽ”, báo cáo của SSI Research nêu.

Lượt xem: 285
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan