Cổ phiếu ngành xuất khẩu trọng điểm liệu còn cơ hội?

Các ngành xuất khẩu đang đứng trước khả năng có tăng trưởng chậm lại trong quý 1/2025, do động lực tích trữ hàng hóa trước thềm ông Trump áp thuế lắng xuống.

Trước lo ngại sau khi tái đắc cử Tổng thống, ông Donald Trump sẽ áp thuế quan lớn lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, đẩy chi phí đầu vào tăng lên, đã có không ít doanh nghiệp tại quốc gia này đã tập trung tích trữ hàng hóa từ quý 3/2024.

Điều này đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam mạnh lên. Cụ thể, tháng 12/2024 xuất khẩu của Việt Nam được hơn 35 tỷ đô, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, tạo chất xúc tác tốt cho nhóm cổ phiếu thuộc nhóm ngành xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngày 20/01 tới đây, ông Trump sẽ chính thức nhận chức, bên cạnh đó là hoạt động tích trữ hàng hóa của các doanh nghiệp Mỹ trước thềm sự kiện này cũng chỉ hữu hạn. Không ít nhà đầu tư lo ngại động lực tăng trưởng của cổ phiếu xuất khẩu có thể chậm lại.

Ở góc nhìn của Ths. Đỗ Thanh Sơn – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Mirae Asset, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý sau so với quý trước (QoQ) có thể chậm lại, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước thì con số này vẫn đang cao hơn. Điểm cần phải lưu ý là năm 2024 nền xuất khẩu đang cao nhất 5 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng lên. Điều này không chỉ giới hạn trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp FDI trên mà còn lan tỏa ra các ngành công nghiệp phụ trợ, giúp các đơn vị nội địa có thể tham gia chuỗi sản xuất này cũng được hưởng lợi.

Ngoài ra, tỷ giá tiếp tục neo ở vùng cao, cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho nhóm xuất khẩu. Bởi đây là đây là khoản có thể hạch toán trực tiếp vào lợi nhuận cho doanh nghiệp mà không cần phát sinh thêm bất cứ chi phí gì.

Mặt khác, quá khứ cho thấy ở thời kỳ Trump 1.0, trong giai đoạn thương chiến Mỹ-Trung, hay hàng rào thuế quan chằng chịt, ngành xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Sự tăng trưởng đến cả từ các công ty FDI lẫn nội địa. Do đó, triển vọng ngành xuất khẩu Việt Nam trong 4-5 năm tới vẫn còn lớn.

“P/E của VN-Index đã rất rẻ, chạm vùng -2 phân phối chuẩn (mức hiếm hoi trong lịch sử). Nhiều cổ phiếu trong đó có nhóm xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ, cao su… đã được chiết khấu 20% từ vùng đỉnh. Với triển vọng tích cực, cổ phiếu xuất khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng đầu tư trong năm 2025 và dài hạn. Vì vậy, những biến động ngắn hạn không quá quan trọn. Trong đó, nhóm ngành gỗ rất đáng chú ý, bởi đây là lĩnh vực đã vươn lên mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu trong một năm qua, đồng thời trong giai đoạn Trump 1.0 đây cũng là lĩnh vực có tăng trưởng vượt trội. Lịch sử là điều thường lặp lại trên thị trường chứng khoán. Do đó, nhóm cổ phiếu xuất khẩu nói chung và gỗ nói riêng, không thể nằm ngoài danh mục theo dõi của nhà đầu tư”, Ths.Sơn nhận định.

Dù trong chu kỳ sắp tới, cổ phiếu xuất khẩu sẽ vẫn là nhóm có triển vọng vượt trội, nhưng Ths Đỗ Thanh Sơn cũng lưu ý, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách 3 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý có tình trạng hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” Việt Nam. Tất cả những điều này, có thể dẫn đến các khả năng Mỹ áp các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Từ đó, kết quả kinh doanh của nhóm ngành xuất khẩu cũng có thể bị ảnh hưởng và giá các chứng khoán này có thể sẽ có một số biến động.

- 11:17 21/01/2025

Lượt xem: 0
Tác giả: Hà Kim Thành