Cổ phiếu ngành thép đã tới hồi thái lai?

Sau gần một năm đen tối, ngành thép đã bắt đầu đón nhận các thông tin tích cực. Nhờ đó, cổ phiếu ngành thép liên tục thu hút dòng tiền lớn, đặc biệt là cổ phiếu HPG của “anh cả” ngành thép – doanh nghiệp chiếm khoảng hơn 50% thị phần mảng thép xây dựng. Có vẻ như 'cơn bĩ cực' đã qua, nhưng 'hồi thái lai' đã tới với cổ phiếu ngành thép hay chưa vẫn là câu hỏi lớn?

Trong khoảng 3 tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành thép đều ghi nhận mức tăng khá mạnh. Có thể kể đến như cổ phiếu POM (Thép Pomina) bứt phá gần 40%, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim (NKG) tăng tới 17%; cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen tăng 13%...

Khi “anh cả” lên vùng đỉnh một năm

Đáng chú ý, “cổ phiếu quốc dân” HPG của Hòa Phát nổi lên như một điểm sáng khi có mức hồi phục đáng kể. Trong 6 tháng qua, cổ phiếu HPG đã tăng hơn 40%, còn so với đáy hồi giữa tháng 11/2022, cổ phiếu HPG tăng khoảng 130%.

-2931-1687858415.jpg

Liên tục thu hút dòng tiền lớn, nhóm cổ phiếu ngành thép đều ghi nhận mức tăng khá mạnh trong thời gian qua.

Không chỉ vậy, đây cũng là cổ phiếu được dòng tiền khối ngoại ưu ái khi mà khối này vẫn tập trung bán ròng chủ yếu trên toàn thị trường. Tính từ đầu tháng 6, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng cổ phiếu HPG, đẩy giá trị mua ròng luỹ kế từ đầu năm lên đến 4.200 tỷ đồng và đưa HPG trở thành cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất sàn chứng khoán.

Nếu xu hướng này được duy trì đến hết tháng, HPG sẽ có 8 tháng liên tiếp được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Đây là điều khá bất ngờ khi cổ phiếu này từng bị khối ngoại bán ròng “không thương tiếc” trong thời gian dài trước đó.

Hiện, HPG đang ở vùng giá 25.800 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của HPG trong hơn 1 năm qua (tính theo mức giá đã điều chỉnh).

Theo đó, vốn hóa của Hòa Phát tăng mạnh, khoảng 146.000 tỷ đồng, đưa Hòa Phát nằm trong top 7 doanh nghiệp giá trị nhất toàn sàn chứng khoán. Đồng thời giúp tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vươn lên dẫn đầu các tỷ phú trên sàn chứng khoán.

Diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu thép xuất phát sau những thông tin khả quan về nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của tập đoàn kể từ đầu năm.

Mặt khác, việc cổ phiếu HPG đã lao dốc xuống đáy dài hạn cùng mức định giá thấp hiếm thấy (P/B về dưới 1) cũng là một trong những động lực thu hút dòng tiền nội cũng như dòng tiền ngoại.

“Kẹp” giữa những thông tin trái chiều

Có thể thấy, việc tiêu thụ thép dần hồi phục phần nào củng cố thêm cơ sở để các nhà sản xuất thép tái khởi động lại các lò cao đã đóng vào cuối năm ngoái khi thị trường ảm đạm. Không chỉ có Hòa Phát, Pomina cũng đã có kế hoạch mở lại lò cao, thậm chí còn dự định tăng vốn để bổ sung nguồn lực mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thực tế, năm 2023, các doanh nghiệp ngành thép đều lên kế hoạch kinh doanh có lãi trở lại, dựa trên giả định thời điểm khó khăn nhất của ngành đã qua.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1-6 tháng xuống dưới 5% được đánh giá có thể ảnh hưởng tới những nhóm ngành có tổng nợ vay lớn, trong đó có doanh nghiệp thép.

Không chỉ vậy, mới đây, việc khởi công dự án Vành đai 4 Hà Nội cũng mang tới thêm một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp ngành thép.

Về dài hạn, không thể phủ nhận triển vọng của ngành thép khá sáng, tuy nhiên cùng với đó là không ít những thách thức, dự báo có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp thép trong ngắn hạn.

Sau khi có nhịp hồi phục mạnh từ đáy vào nửa đầu tháng 6, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc đã quay đầu giảm trở lại trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Theo Agriseco, giá thép thế giới có thể đi ngang trong nửa cuối năm 2023 bởi triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan, thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn ảm đạm.

Đối với thị trường trong nước, nhu cầu có sự phục hồi từ đáy nhưng vẫn còn yếu đã gây áp lực lớn lên giá thép ngay cả trong giai đoạn giá mặt hàng này trên thế giới phục hồi. Giá thép xây dựng trong nước đã có 11 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4.

Chứng khoán VNDirect nhận định, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản sẽ “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Bên cạnh đó, câu chuyện thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng là cú huých cho sự tăng trưởng nhu cầu sắt thép phục vụ xây dựng, trong đó Hòa Phát là cái tên được hưởng lợi rõ rệt nhất trong nhóm thép. Tuy nhiên, Chứng khoán VCBS cho rằng, tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10-15% và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ khó hồi phục mạnh trong năm nay.

Mặt khác, việc EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% cũng gây áp lực không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất thép.

“Việc tăng giá điện xét trên nhiều phương diện có thể gây ra ảnh hưởng không tích cực lên ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như thép. Với giả định chi phí điện tăng thêm và doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, ước tính chi phí điện tăng 3% có thể khiến tổng lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%”, Mirae Asset Việt Nam đánh giá.

Hải Giang

Lượt xem: 8
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan