Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/1): FCN, VHC và PVD

VCSC kỳ vọng lợi nhuận của PVD sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi dự phóng tăng 4 lần từ mức cơ sở thấp trong năm 2022, đạt 12,3 triệu USD do giá thuê ngày trung bình của giàn tự nâng (JU) tăng 20% và đội giàn khoan vận hành với công suất đạt 93% so với 86% trong năm 2022.

FCN: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 13.839 đồng/cổ phiếu

Doanh thu 9 tháng năm 2022 của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) đạt 2.205 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Điều này đến từ việc thiếu hụt doanh thu xây lắp nhà máy điện gió; phần lớn các dự án hạ tầng giao thông đang trong giai đoạn thực hiện gói thầu thi công chính và nhu cầu cho xử lý nền là không nhiều.

Lợi nhuận sau thuế đạt 2 tỷ đồng (so với cùng kỳ là 71 tỷ đồng). Biên lợi nhuận sụt giảm do xu hướng tăng phi mã của giá nguyên vật liệu, trong khi phần lớn các gói thầu được kí kết từ 2021 và cố định đơn giá. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng mạnh do bắt đầu hạch toán lãi vay tại dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng và đặt áp lực lớn lên lợi nhuận trong kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), FCN là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xử lý nền móng, thi công hạ tầng ngầm và là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam có năng lực thi công phần ngầm cho các công trình có sức nặng lớn (tòa nhà chọc trời, công trình giao thông lớn, nhà máy công nghiệp nặng,…).

Với việc tập trung vào lĩnh vực đặc thù, có yêu cầu kĩ thuật cao, FCN tránh được áp lực cạnh tranh gay gắt trong đấu thầu thi công dự án, đồng thời hưởng mức biên lợi nhuận gộp cao và ổn định hơn đáng kể so với các doanh nghiệp xây lắp thông thường. So sánh biên lợi nhuận gộp của FCN và các doanh nghiệp xây dựng

Theo VCBS, nhu cầu thi công nền móng sẽ tăng cao từ năm 2023. Các dự án công nghiệp nặng (Hòa Phát Dung Quất 2, Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Nhơn Trạch 3&4) bắt đầu tiến hành thi công. Trong năm 2023, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn trong chu kì đầu tư 2021-2025 bắt đầu được khởi công. Do đó, nhu cầu xử lý nền đất dự báo tăng cao trong các năm 2023-2024 khi đây là một trong các gói thầu được triển khai đầu tiên trong chu kì đầu tư dự án.

Phần lớn các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông trong chu kì đầu tư mới nằm tại khu vực có nền đất tương đối yếu, qua đó thúc đẩy nhu cầu và mức đầu tư phân bổ cho hạng mục xử lý nền móng.

Trong năm 2022, hoạt động thi công điện gió của FCN bị suy giảm đáng kể khi: các dự án tồn đọng được hoàn tất thi công và đi vào hoạt động; hoạt động đầu tư điện gió đình trệ sau giai đoạn ưu đãi giá bán điện và các nhà đầu tư cần chờ định hướng từ quy hoạch điện 8, cơ chế giá điện mới.

Tuy vậy, Quy hoạch Điện 8 dự kiến sẽ được thông qua vào đầu năm 2023 với trọng tâm đầu tư vào nguồn điện năng lượng tái tạo (đặc biệt điện gió). Các dự án điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ được hưởng chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển trong các năm tới.

VCBS cho rằng hoạt động thoái vốn giúp giải tỏa một phần áp lực tài chính của FCN. Trong quý IV/2022, FCN đã chính thức đạt được thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án điện gió Vĩnh Hảo 6, giúp mang về nguồn lợi nhuận và dòng tiền tích cực cho doanh nghiệp.

Dòng tiền từ thoái vốn dự án kì vọng giúp FCN giải tỏa một phần áp lực nợ vay và tạo dư địa tài chính cho việc đẩy mạnh triển khai các gói thầu lớn trong năm 2023. Kì vọng làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực điện gió. FCN sở hữu vị thế cạnh tranh tốt nhờ liên kết với các chủ đầu tư lớn và là một trong các doanh nghiệp hiếm hoi sở hữu năng lực thi công dự án điện gió ngoài khơi (có yêu cầu kĩ thuật cao hơn đáng kể các dự án trên bờ).

VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu FCN với giá mục tiêu 13.839 đồng/cổ phiếu.

VHC: VDSC khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 71.000 đồng/cổ phiếu

Trong 11 tháng năm 2022, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận doanh thu lũy kế 13.000 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ), chủ yếu đến từ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu được đóng góp bởi kết quả kinh doanh nửa đầu 2022 trong khi kết quả kinh doanh nửa cuối 2022 đang có dấu hiệu đi xuống.

Riêng tháng 11/2022, doanh thu giảm 12% so với tháng trước và 10% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm phi lê yếu. Do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh áp lực lạm phát và tồn kho cá thịt trắng cao sau khi nhập khẩu ồ ạt, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm đáng kể từ quý II/2022.

Thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi bất chấp việc dỡ bỏ lệnh đóng cửa tại quốc gia này. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lo ngại đà tăng trưởng chậm lại của ngành nói chung và kết quả kinh doanh của VHC nói riêng sẽ vẫn tiếp tục chậm lại cho đến ít nhất là nửa đầu năm 2023.

Trong năm 2023, VDSC cho rằng thị trường Mỹ vẫn chưa thể hồi phục trước áp lực lạm phát dai dẳng. VHC nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có tiềm năng phục hồi nhưng vẫn khó bù đắp được sự sụt giảm ở thị trường Mỹ, thị trường chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất và có giá bán cao nhất của VHC.

VDSC cho rằng lợi nhuận năm 2023 nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm nhưng vẫn cao hơn mức trước 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra; mảng collagen và gelatin (C&G) làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra; không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018-2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến.

Về định giá, mặc dù mô hình kinh doanh của VHC đã ít biến động hơn với sự góp mặt của các mảng khác (C&G, Sa Giang) nhưng tăng trưởng của VHC vẫn phụ thuộc chủ yếu vào mảng phi lê đã qua chu kỳ tăng trưởng.

VDSC cho rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa đầu năm 2023 do không còn đà tăng trưởng trên nền cao của cùng kỳ. Sử dụng phương pháp FCFF và SOTP, VDSC đưa ra mức giá mục tiêu là 71.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị trung lập. Giá mục tiêu của VDSC phản ánh P/E 2023 ở mức 8,3x, tương đương với mức trung bình 5 năm. Công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư có thể chờ đợi mức giá hấp dẫn hơn và có thể tích lũy dần khi ngành cá tra có dấu hiệu quay trở lại xu hướng tăng mới.

PVD: VCSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 20.800 đồng/cổ phiếu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) ghi nhận hơn 1.242 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Lơi nhuận sau thuế vẫn ghi nhận âm do việc giảm mạnh các khoản lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh do giảm doanh thu; đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh do tỷ giá đồng USD tăng cộng thêm biến động Libor làm tăng chi phí lãi vay.

Lũy kế 9 tháng, PVD đạt doanh thu 3.923 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 9 tháng 151 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ khoảng 30 tỷ đồng. 

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị trường giàn tự nâng phục hồi hỗ trợ tăng giá thuê ngày. Theo dữ liệu của IHS Markit, giá thuê ngày trung bình của giàn JU (độ sâu 361 - 400 feet) tại Đông Nam Á trong tháng 11/2022 là 109.000 USD (tăng 35% so với tháng trước (MoM)) và cao hơn 15% so với giá thuê ngày trung bình trong quý 3/2022, cho thấy thị trường JU phục hồi tích cực hơn dự kiến.

Ngoài ra, IHS Markit cũng kỳ vọng triển vọng thị trường JU tích cực hơn nhờ hiệu suất hoạt động dự kiến là 95% và giá thuê ngày đạt 150.000 USD vào cuối năm 2023. IHS Markit cũng dự báo giá thuê ngày của giàn JU với độ sâu 301-360 IC sẽ tăng đạt 73.000-120.000 USD tại Đông Nam Á, nhờ hoạt động sản xuất tăng và ngân sách cao hơn cho các hoạt động thăm dò và khai thác trên toàn cầu.

VCSC dự báo giá thuê ngày trung bình giàn JU của PVD sẽ tăng khoảng 20% YoY đạt 77.500 USD trong năm 2023.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng giá thuê ngày của PVD sẽ tăng tương ứng theo giá thuê ngày trong khu vực. Trong giai đoạn 2012-2014, giá thuê ngày giàn JU của PVD cao hơn so với giá thuê ngày trong khu vực. Giá thuê ngày bình quân gia quyền của PVD trong giai đoạn 2015-2021 thấp hơn khoảng 26% so với giá thuê ngày tại Đông Nam Á, mà VCSC cho là do trì hoãn trong việc thăm dò & khai thác cũng như giãn cách xã hội do Covid-19.

Do PVD đã chốt được nhiều hợp đồng tại thị trường quốc tế, VCSC kỳ vọng giá thuê ngày sẽ tăng tương ứng với giá thuê ngày trong khu vực và đạt khoảng 110.000 USD vào năm 2027 – thấp hơn 30% so với mức giá thuê đỉnh 155.000 USD trong năm 2014.

VCSC điều chỉnh giảm khoảng 4% giả định giá thuê ngày giàn JU trong năm 2023 do giảm khoảng 13% dự báo giá thuê ngày của giàn PVD I để phản ánh tính cạnh tranh thấp của giàn này so với những giàn trẻ hơn của PVD. Tuy nhiên, VCSC điều chỉnh giảm khoảng 4% dự báo chi phí hoạt động trong năm 2023 so với giả định trước đây khi PVD có nhiều hợp đồng dài hạn hơn sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển giàn.

VCSC kỳ vọng lợi nhuận của PVD sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi dự phóng tăng 4 lần từ mức cơ sở thấp trong năm 2022, đạt 12,3 triệu USD do giá thuê ngày trung bình của giàn tự nâng (JU) tăng 20% và đội giàn khoan vận hành với công suất đạt 93% so với 86% trong năm 2022.

Theo quan điểm của VCSC, PVD hiện có định giá hấp dẫn với P/B dự phóng năm 2023 là 0,7 lần và P/E là 42,7 lần (PEG là 0,3 dựa trên CAGR EPS dự phóng giai đoạn 2023-2025 là 138%). VCSC cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của PVD phù hợp với P/E cao của công ty.

Lượt xem: 5
Tác giả: Hải Đường
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật