Chủ động nguồn hàng cho thị trường tết

Việc chuẩn bị đủ nguồn hàng sẽ góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Rộn ràng chuẩn bị hàng Tết

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần, trong thời điểm này, các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống, cửa hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị đủ nguồn hàng, bảo đảm nhu cầu mua sắm của các “thượng đế”…

Các chợ truyền thống ở Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị phục vụ Tết

Giống như những năm trước, vào thời điểm này, tiểu thương tại các chợ lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng như, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa hay chợ đầu mối Hòa Cường… đã chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chỉ tính riêng tại 4 chợ lớn trên địa bàn thành phố bao gồm: chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Cồn và chợ đầu mối Hòa Cường, các tiểu thương có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ trong dịp tết ước khoảng gần 500 tỷ đồng. Vào thời điểm này, tại chợ đầu mối Hòa Cường, những lô hàng phục vụ cho tết đã được các tiểu thương nhập về.

Gần đến tết, lượng hàng nhập về chợ khoảng từ 900 đến 1 nghìn tấn/ngày. Theo đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, hiện các mặt hàng nông sản nhập về chợ đã tăng đáng kể. Đến cận tết, số lượng sẽ tăng lên gấp đôi so với những ngày thường.

Bên cạnh các chợ truyền thống, hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên kinh doanh trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đang tích cực chuẩn bị đủ nguồn hàng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp tết. Ước tính, trị giá số hàng hóa tham gia dự trữ cũng lên tới khoảng 500 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại các siêu thị lớn trên địa bàn, các sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như, bánh kẹo, bia rượu, hạt dưa, thực phẩm đóng gói… đã được các đơn vị chuẩn bị với số lượng lớn. Chỉ tính riêng tại CoopMart, đơn vị đã chuẩn bị gần 4 nghìn tấn hàng hóa với tổng trị giá hơn 80 tỷ đồng để phục vụ Tết Nguyên đán, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nguồn hàng tại siêu thị sẽ tiếp tục được bổ sung nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, ngoài phân phối tại chỗ, siêu thị này còn tổ chức các phiên chợ lưu động đưa hàng hóa lên các khu vực ngoại thành, các địa phương vùng ven ở huyện Hòa Vang.

Theo Sở Công thương TP. Đà Nẵng, nguồn hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán năm nay trên địa bàn thành phố là khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng. Ở TP. Đà Nẵng cũng như một số đô thị lớn khác trong cả nước, vào gần dịp Tết cổ truyền, các cơ sở kinh doanh phải chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa dự trữ từ nhiều nguồn, bởi nhu cầu tăng cao trong khi khả năng đáp ứng tại chỗ lại rất hạn chế.

Tại nhiều siêu thị lớn, số lượng hàng hóa từ các địa phương khác chuyển về lên đến 80%. Chưa kể đến việc vào thời điểm gần Tết, việc vận chuyển hàng hóa lưu thông khó khăn, hay khan hiếm nguồn hàng… Việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ luôn là phương án tối ưu, giúp các doanh nghiệp phân phối giữ giá từ nhà cung cấp, góp phần quan trọng để bình ổn thị trường.

Tăng cường quản lý thị trường

Thông thường, vào các dịp trước và trong Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm tiêu thụ tăng mạnh, đi kèm với đó là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng cấm. Trên thực tế, những năm gần đây vào dịp này, các lực lượng chức năng ở thành phố lại tăng cường công tác quản lý thị trường, nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, bảo đảm sự ổn định của thị trường…

Gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái làm kém chất lượng…

Trong đó, có thể kể đến vụ việc lực lượng quản lý thị trường và công an thành phố bắt quả tang các đối tượng đang sản xuất, đóng gói hơn 1.200 gói hạt nêm và bột ngọt giả các nhãn hiệu trên địa bàn quận Thanh Khê. Theo đó, vào thời điểm kiểm tra, đã phát hiện các đối tượng đang thực hiện hành vi đóng gói bột ngọt dạng nguyên liệu (nghi là hàng giả, hàng kém chất lượng) từ các bao bì có chữ Trung Quốc.

Trước đó, trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Hòa Vang, CSGT Đà Nẵng cũng đã phát hiện xe ô tô khách mang BKS 43B-045.28 có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trên xe chở 27 kiện hàng gồm áo quần, mỹ phẩm... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, công an TP. Đà Nẵng cũng phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn 2 ô tô tải vận chuyển hơn 500kg thịt bò không có giấy kiểm dịch, đang được các đối tượng đi tiêu thụ.

Khi vận chuyển hàng hóa ra thị trường trong dịp này, các đối tượng thường chia nhỏ các lô hàng, khi bị phát hiện không đủ số lượng để khởi tố hình sự. Bên cạnh đó, lợi dụng việc quản lý hóa đơn thiếu chặt chẽ, các đối tượng thường sử dụng hóa đơn xoay vòng, khai báo giá trị hàng hóa thấp… để đối phó với lực lượng chức năng.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vào dịp cận kề Tết Nguyên đán như hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong đó, lực lượng chủ công vẫn là công an, quản lý thị trường…

Ông Trần Phước Trí - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Cụ thể, các lực lượng có liên quan cùng quản lý thị trường kiểm tra các nội dung như, giấy chứng nhận đăng ký và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; Kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và hàng giả, các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh cũng như hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tập trung bình ổn giá, chấp hành giá, đăng ký và kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; Kiểm tra xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng hết hạn sử dụng...

Lượt xem: 1.005
Tác giả: Bài và ảnh Nghi Lộc
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan