Bộ Công Thương giải thích gì về việc chậm điều hành giá xăng dầu?

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, việc không thực hiện điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/2 là do trùng vào mùng 1 Tết Nguyên đán, hơn nữa nhằm đảm bảo bình ổn thị trường cho người dân. 

Mới đây, sau khoảng 20 ngày không thực hiện điều chỉnh, chiều ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước đã tăng gần 1.000 đồng/lít/kg, là mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây.

doanh-nghiep-thieu-xang-dau-3724-1644984

Một cửa hàng xăng dầu ngừng bán vì hết xăng. 

Việc giá xăng dầu tăng đúng như dự đoán, cũng giống chiếc lò xo sẽ bật mạnh khi bị nén quá lâu. Song, vấn đề đáng quan tâm nhất là những hỗn loạn trên thị trường trước ngày điều chỉnh, nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng, ngừng bán. Đến nay một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết vẫn đang thua lỗ. 

Chia sẻ với VnBusines, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, sự hỗn loạn này xảy ra là do nguyên nhân kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 1/2 trùng với mùng 1 Tết âm lịch nên cơ quan quản lý không thực hiện điều chỉnh. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, cửa hàng bán lẻ phải nhập với giá cao nên họ phải tính cách, dùng thủ thuật để không bán hàng, giữ hàng để bán khi giá điều chỉnh tăng. Đây là trách nhiệm của Liên Bộ Công Thương - Tài chính khi không điều chỉnh nhịp nhàng, giữ ổn định thị trường.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong bối cảnh, giá xăng dầu thế giới tăng cao, theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu/lần nhưng ngày 1/2/2022 không thực hiện điều chỉnh (do trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Phải đợi đến ngày 11/2/2022 mới thực hiện điều chỉnh nên chiết khấu giá xăng dầu xuống thấp, nguồn hàng có hiện tượng chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trước những phản ánh trên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lên tiếng giải thích ngày 28/1, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích tình hình thế giới và trong nước, nêu các vấn đề và đưa kiến nghị bao gồm việc cho phép Bộ lựa chọn điều hành giá xăng dầu trong kỳ ngày 1-2 được linh hoạt, phù hợp.

Tuy vậy, do thời điểm nhạy cảm là Tết Nguyên đán, yêu cầu bình ổn giá đặt lên hàng đầu nên Chính phủ và liên bộ đã cân nhắc thời điểm điều hành.

"Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, còn tăng giá sẽ gặp phản ứng ngay và không có lợi cho người dân trong bối cảnh giá cả dịp Tết Nguyên đán tăng cao", ông Đông chia sẻ. 

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phân trần: "Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về điều hành thị trường xăng dầu, đảm bảo và chịu trách nhiệm về nguồn cung. "Tuy vậy, chúng tôi cũng đã cố gắng làm hết mức, chủ động làm rất sớm... Chúng tôi cho rằng việc điều hành phải trên cơ sở nhiều yếu tố như đã phân tích ở trên", Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ. 

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng thừa nhận sau kỳ điều hành ngày 11/2, tình hình có tốt hơn so với tuần trước nhưng thiếu hụt cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục, chưa chấm dứt được tình trạng một số cửa hàng, thương nhân thiếu hàng cục bộ.

Trước tình hình trên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết Bộ đang theo dõi rất sát tình hình, đề xuất phương án phù hợp và hài hòa nhất. Trong đó có phương án đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo quy định của nghị định 95 là có điều khoản đặc biệt về thời điểm điều hành, nhằm đảm bảo giá sát hơn, tạo nguồn và đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp.

Ngày 14/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu...

Từ dữ liệu này, Vụ sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng đề cập đến trách nhiệm 2 nhà máy lọc dầu, bởi Chính phủ đã tạo điều kiện hết mức, như Nghị định 95 đã cho 2 nhà máy quyền nhập khẩu, tức trao cho họ quyền kinh doanh dù không xây dựng hệ thống. "Các nhà máy này cần nâng cao trách nhiệm. Nghi Sơn là dự án có nhiều ưu đãi đặc biệt, nên nhà máy này cần có trách nhiệm với an ninh năng lượng đất nước", ông Đông nêu quan điểm.

Thy Lê 

Lượt xem: 215
Tác giả: Thy Lê 
Tin liên quan