Bất động sản nghỉ dưỡng hưởng lợi từ thị trường bán lẻ xa xỉ

Các thương hiệu xa xỉ đang dần đổ bộ vào các điểm du lịch cao cấp. Xu hướng toàn cầu này dự kiến mang lại cơ hội tiềm năng cho các khu resort nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo báo cáo mới đây từ Savills, hoạt động mở cửa hàng mới của ngành hàng xa xỉ đang chậm lại trên toàn cầu. Ngay tại Trung Quốc - ngôi sao sáng trước đại dịch của thị trường xa xỉ cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc. Mặc dù quốc gia này vẫn dẫn đầu về số lượng cửa hàng xa xỉ mới - chiếm tỷ lệ 41% trên toàn cầu, nhưng tốc độ mở rộng đã giảm 12% trong năm 2023.

Đáng chú ý, đi ngược với xu hướng trên, Bắc Mỹ và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) lại tích cực ghi nhận sự tăng trưởng số lượng cửa hàng xa xỉ. Việt Nam cùng với Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ là những quốc gia nổi bật đang ghi nhận sự gia tăng số lượng cửa hàng của các thương hiệu xa xỉ.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, động lực chính tạo ra mối quan tâm tích cực của các thương hiệu xa xỉ với những thị trường này là tốc độ phục hồi của ngành du lịch.

-2604-1717726983.jpg

Cửa hàng thời trang cao cấp trong một trung tâm thương mại tại Hà Đông, Hà Nội.

Các thương hiệu xa xỉ luôn muốn tiếp cận nơi khách hàng sinh sống, vui chơi, đặc biệt tại các khu vực tập trung du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Do đó, khu resort nghỉ dưỡng là thị trường duy nhất không bị chậm lại trong việc mở cửa hàng mới.

Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Alexander McQueen, Balenciaga, Burberry, Bvlgari và Zimmerman đang nối bước các ông lớn trong ngành như LVMH, Richemont và Armani, bằng cách chọn đặt cửa hàng tại các điểm resort nghỉ dưỡng để đến gần hơn với nhóm khách hàng mục tiêu của họ.

Thực tế cho thấy, số lượng mở cửa hàng xa xỉ tại các thị trường resort nghỉ dưỡng đã tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2023, gần gấp 4 lần tỷ lệ trung bình toàn cầu trước đại dịch.

Ông Matthew Powell cho biết sự gia tăng các cửa hàng pop-up tại khu nghỉ dưỡng đến từ hai yếu tố: Nhu cầu từ phía thương hiệu và sự gia tăng nguồn cung.

“Các thương hiệu xa xỉ muốn tiếp cận khách hàng cao cấp tại khu nghỉ dưỡng. Trong khi các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp ngày càng chú trọng việc tận dụng tối đa không gian bất động sản của họ bằng cách tạo ra các cơ hội bán lẻ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Cửa hàng pop-up mang đến những cách tiếp cận đa dạng, giúp sự hiện diện tạm thời của thương hiệu tại các địa điểm nghỉ dưỡng trở thành trải nghiệm đáng nhớ và đáng chia sẻ cho mỗi khách hàng”, Giám đốc Savills Hà Nội phân tích.

Chưa kể, việc định vị và liên kết với các thị trường nghỉ dưỡng cũng cho phép các thương hiệu mở rộng phạm vi và danh mục sản phẩm của mình, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch nghỉ dưỡng, ví dụ như đồ thể thao mùa đông, phụ kiện du lịch...

Theo chuyên gia, việc tận dụng lượng khách du lịch đông đảo tại các khu nghỉ dưỡng theo mùa, kết hợp với việc điều chỉnh sản phẩm và hình ảnh cho phù hợp với văn hóa địa phương sẽ giúp các thương hiệu xa xỉ củng cố vị thế và xây dựng hình ảnh quốc tế mạnh mẽ hơn. Từ đó các thương hiệu có thể thu hút và tạo dựng lòng trung thành của khách hàng. Xu hướng toàn cầu này dự kiến mang lại cơ hội tiềm năng cho các khu resort nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, thị trường hàng hóa xa xỉ tại Việt Nam đạt tổng doanh thu 957,22 triệu USD. Dự kiến trong năm 2024, con số này sẽ đạt mức 992,2 triệu USD.

Đỗ Kiều

Lượt xem: 7
Tác giả: Đỗ Kiều
Tin liên quan