Bất chấp sóng gió thị trường, 2 ông lớn ngành nhựa vẫn đua nhau lập đỉnh
NTP và BMP là những đối thủ truyền thống trong ngành nhựa. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cuộc đua về giá cổ phiếu cũng đang diễn ra bất chấp tâm lý chung của nhà đầu tư còn chịu nhiều bất ổn.
2 ông lớn đang đua nhau phá giá kỷ lục
Với những sóng gió của thị trường, việc lựa chọn đúng những cổ phiếu có đà tăng dài hạn thực tế đang không hề dễ dàng. Theo thống kê, sau phiên giao dịch ngày 12/9, tỷ lệ các cổ phiếu còn giữ được xu hướng tăng dài hạn (vượt trên MA200) trên cả 3 sàn đã thu hẹp xuống dưới 50%.
Dù vậy, ở nhóm ngành Nhựa, cả 2 ông lớn BMP, NTP lại cùng ghi dấu ấn với việc hướng tới lập các kỷ lục giá mới.
Cụ thể, ngay trong phiên 12/9, NTP đã có mức giá cao nhất từ trước đến nay (73,700 đồng/cổ phiếu) trước khi đóng cửa phiên tại 71,700 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu BMP dù cũng gặp áp lực chốt lời trong phiên 12/9 nhưng chỉ còn cách mức giá lục chưa tới 9%. Được biết, giá cao nhất thời đại của BMP đã được thiết lập tại 119,550 đồng/cổ phiếu vào phiên 15/04.
Giá trị vốn hóa của BMP đạt hơn 8,900 tỷ đồng trên HOSE (tính đến hết phiên giao dịch 12/9) |
Một cuộc đua "ngầm" về giá cổ phiếu đang diễn ra giữa 2 ông lớn BMP và NTP. Hiện BMP đang có liên tiếp 4 năm tăng giá trong đó thành tích của năm 2023 lên tới gần 100%.
Vốn hóa của NTP đạt hơn 10,200 tỷ đồng (tính đến hết phiên giao dịch 12/9). |
Còn cổ phiếu NTP đang có những vận động "tăng đuổi" theo BMP với năm tăng giá thứ 2 liên tiếp. Sau khi đã tăng trưởng 30% trong năm 2023, NTP đang tăng hơn 100% so với đầu năm 2024.
Cuộc so kè trong ngành nhựa chưa có hồi kết
Trong hoạt động kinh doanh, giữa 2 ông lớn BMP và NTP vẫn đang có một sự ganh đua rõ ràng. Trong 2 năm trở lại, cả BMP và NTP đều ghi nhận doanh thu đạt trên 5,000 tỷ đồng.
2 năm gần nhất, doanh thu thuần của ông lớn đều đạt trên 5,000 tỷ đồng. |
Từ năm 2023, nếu như BMP theo đuổi chiến lược giữ giá sản phẩm, bảo vệ lợi nhuận thì NTP lại có chính sách giá mềm dẻo hơn.
Trong giai đoạn trước tháng 8 năm 2022, BMP bán giá cao hơn NTP xấp xỉ 10% nhưng kể từ sau thời điểm này, con số này đã tăng lên thành 20%.
Gần đây, CTCK VNDIRECT cho biết khoảng cách giá cả của BMP so với NTP đã thu hẹp lại sau khi giá bán trung bình của NTP ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ.
Trước khi xuất hiện sự kiện cơn bão Yagi, VNDIRECT đưa ra dự báo doanh thu của BMP trong năm 2024 giảm xuống dưới 4,600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 13% so với cùng kỳ xuống 909 tỷ đồng.
BMP vẫn sẽ duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt cao, đặc biệt là từ năm 2018 – sau khi được SCG Thái Lan mua lại, tỷ lệ chi trả luôn đạt 99% lợi nhuận trong 5 năm liên tiếp. Với chính sách không thay đổi trong 3 năm tới, VNDIRECT dự đoán BMP sẽ trả 12,000 đồng/cổ phiếu dưới dạng cổ tức tiền mặt, có thể thanh toán trong quý 4/2024 và quý 2/2025.
Còn với NTP, nhờ giá bán rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp, NTP được kỳ vọng có thể sẽ có thể giành được thị phần từ tay BMP, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện tại.
CTCK DSC, trong báo cáo hồi tháng 5/2024, đánh giá NTP có thể tiếp tục duy trì kết quả tốt đạt được trong năm 2023. Theo đó, NTP sẽ có thể đạt doanh thu và lợi nhuận năm 2024 lần lượt 5,366 tỷ (+4%) và 657 tỷ (+17%).
Như vậy, lợi nhuận của NTP dù tăng trưởng nhưng sẽ chưa theo kịp BMP do không nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ như BMP trong khi vẫn phải chấp nhận sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hơn.
Nợ ngắn hạn của NTP gấp hơn 5.5 lần so với BMP (tính đến hết quý 2/2024) |
Tuy nhiên, Công ty đang có xu hướng giảm dần nợ vay ngắn hạn. Cộng hưởng với khả năng Fed giảm lãi suất trong năm nay, NTP có thể giảm được chi phí lãi vay.
Được biết, trong 5 năm trở lại, NTP trả cổ tức khá đều đặn với tỷ lệ cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20 - 25% mệnh giá. Đồng thời, công ty cũng thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu vào năm 2020 và 2022 với tỷ lệ 20%.
Trong năm 2024, công ty sẽ chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20% (bao gồm đợt 2 của năm 2023 và đợt 1 của năm 2024). Công ty hiện đã hoàn tất trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% vào đầu tháng 9 này.